Vietstock - 'Đừng để người bán phở thanh toán điện tử nhưng mua nguyên liệu bằng tiền mặt'
Các nhà băng mới chỉ chú ý từng khách hàng mà không quan tâm tới hệ sinh thái và chuỗi cung ứng cho thanh toán điện tử.
Hội nghị Triển vọng ngành Tài chính - Ngân hàng Việt Nam 2019 (The Future of Finance Vietnam) do Asian Banker tổ chức dành nhiều thời lượng để nhắc đến câu chuyện thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Arnab Ghosh, CEO Post & Telecommunication Finance nói tới câu chuyện về việc thanh toán điện tử của người bán phở để chỉ ra là sự thiếu đồng bộ trong việc lựa chọn khách hàng cung cấp dịch vụ.
"Chúng ta không thể thúc đẩy người bán phở dùng thanh toán điện tử nhưng lại để anh ta đi mua nguyên liệu đầu vào, thanh toán chi phí điện, nước, ga bằng tiền mặt. Sẽ là bất tiện cho những người cung cấp dịch vụ khi nhận tiền qua thanh toán trực tuyến nhưng ngày ngày phải rút tiền để thanh toán chi phí", CEO Post & Telecommunication Finance nói. Theo ông, các nhà băng hiện vẫn chỉ chú trọng đến một khách hàng nhất định, như những người cung cấp dịch vụ, nhưng lại bỏ qua cả chuỗi cung ứng. Ông cho rằng bài học từ sự phát triển của thanh toán điện tử tại Trung Quốc là một vấn đề các ngân hàng cần nghiêm túc nhìn nhận.
Phiên thảo luận về tương lai ngành tài chínhtại Hội nghị The Future of Finance Vietnam. Ảnh: The Asian Banker
Ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì đưa ra số liệu cho thấy việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng ở cấp vi mô vẫn còn rất hạn chế.
Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng chiếm khoảng 68% cấu trúc của hệ thống tài chính Việt Nam với dư nợ cấp tín dụng chiếm khoảng 133-134% GDP - một tỷ lệ cao theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, nếu xét về góc độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng, Việt Nam lại đi sau so với nhiều quốc gia khác trong cùng khu vực. Chỉ có khoảng 40% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, lượng khách hàng sở hữu thẻ cũng chỉ khoảng 27% dân số trong đó thẻ tín dụng chỉ khoảng 4%.
"Thói quen không dùng tiền mặt đang dần thay đổi nhưng thực tế, tốc độ vẫn còn khá chậm. Các công nghệ thanh toán, phương thức thanh toán mới và hiện đại đang được áp dụng nhưng sự chuyển biến chưa cao", ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc Khối nghiên cứu phát triển của Napas đánh giá.
Một lý do khác, theo đại diện của Napas, đến từ sự thiếu đồng bộ trong một số hình thức thanh toán phổ biến hiện nay gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường. Lấy ví dụ về một hình thức thanh toán như QR Code, ông Minh cho rằng phương thức này đang là phổ biến tuy nhiên có thực trạng là mỗi đơn vị lại có một mô hình giao dịch, thanh quyết toán và quản lý dịch vụ khác nhau. Chưa có quy chuẩn đồng bộ về hệ thống backend là nguyên nhân khiến thị trường dễ bị phân tán, thiếu đồng bộ và không hiệu quả.
Để đẩy nhanh việc thay đổi điều này, theo các chuyên gia, mở đầu cần sự thay đổi của các hàng lang pháp lý, hỗ trợ cho hoạt động cả ngân hàng và đặc biệt là sự tham gia của các Fintech thanh toán.
Phó tổng giám đốc của Napas cho rằng thực trạng thẻ ATM vẫn sử dụng chính để rút tiền mặt là do mạng lưới chấp nhận thẻ chưa đủ mạnh. Để thay đổi điều này, cơ quan quản lý cần có những chính sách hỗ trợ cho việc mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ nhanh hơn nữa, thúc đẩy việc thay đổi thói quen sử dụng thẻ ghi nợ của khách hàng.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Maritime Bank cho rằng, sự đóng góp của những Fintech trong lĩnh vực thanh toán sẽ là chìa khóa mở ra những cánh cửa mới cho hoạt động. Khách hàng hiện nay chưa sẵn sàng đến ngân hàng vay tiền, nhưng với những cách tiếp cận mới bằng công nghệ, điều này có thể thay đổi.
"Thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam cần thấy được những điểm đột phá và điều này có thể đạt được nhờ công nghệ. Chúng tôi đã gặp nhiều Fintech với nhiều ý tưởng để khắc phục sự thiếu hụt của thị trường và từ góc độ ngân hàng, chúng tôi muốn hợp tác với các Fintech đó", CEO Martime Bank đánh giá.
Minh Sơn