Vietstock - Từ thất bại cay đắng ở Trung Quốc, bài học nào cho quản lý P2P ở VN?
Bài học từ việc hơn 400 sàn giao dịch cho vay ngang hàng (P2P) phá sản đẩy hàng triệu nhà đầu tư vào cảnh vỡ nợ tại Trung Quốc cần được rút kinh nghiệm. Chuyên gia ngân hàng Phạm Xuân Hòe hiến kế để quản lý các công ty P2P lending đang mọc ra như nấm tại Việt Nam hiện nay.
Hình thức cho vay ngang hàng (P2P; P2P lending) đang nở rộ ở Việt Nam nhưng chưa có cơ quan hay hành lang pháp lý nào cho loại hình cho vay mới này.
|
Vì sao mô hình P2P ở Trung Quốc phá sản?
Những con số giật mình như tổng nợ xấu của cho vay ngang hàng (peer-to-peer; P2P; hay P2P lending) tại Trung Quốc lên tới 192 tỉ USD (theo Bloomberg).
Hơn 50 triệu người tham gia vào san giao dịch cho vay trực tuyến mất trắng, nợ nần, thậm chí phải tìm đến cái chết.
Theo nghiên cứu China International Cooperation, hiện nay ở Trung Quốc đang có tới 1800 sàn giao dịch cho vay ngang hànghoạt động lay lắt dự và dự báo sẽ chỉ còn lại khoảng 200 sàn.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới sự sụp đổ kinh hoàng của hàng loạt công ty P2P Trung Quốc?
Chuyên gia ngân hàng Phạm Xuân Hoè – cho biết:
“Sự phát triển tự do không có hành lang pháp lý đã khiến các công ty P2P biến tướng gây hệ luỵ xấu trong xã hội.
Các thông tin quảng cáo về lãi suất, điều kiện cho vay không được quảng cáo minh bạch và đầy đủ. Người cho vay không kiểm soát được mục đích sử dụng của người đi vay. Khi kinh tế suy giảm, người vay mất khả năng trả nợ sẽ dẫn tới hệ luỵ nợ xấu.
Nhiều công ty P2P lập ra với chủ đích gọi vốn để lừa đảo, huy động vốn rồi trốn chạy khiến các nhà đầu tư có tâm lý hoảng loạn ồ ạt rút tiền. Việc hacker tấn công trang web hoặc chủ website cố tình đánh sập để ôm tiền bỏ trốn”.
Ông Phạm Xuân Hoè - chuyên gia ngân hàng.
|
Cho vay ngang hàng là loại hình kinh doanh có điều kiện
Theo vị chuyên gia này, có 5 bài học từ thất bại của Trung Quốc trong công tác quản lý cho vay ngang hàng mà Việt Nam cần lưu ý.
Một là bài học về sự chậm trễ trong quản lý của các cơ quan chức năng Trung Quốc để P2P phát triển tự do không có định hướng từ đầu.
Không ít công ty P2P lập ra với chủ đích gọi vốn để lừa đảo tại Trung Quốc.
|
Hai là các nhà đầu tư đã bất chấp rủi ro cao để nghe theo những lời quảng cáo đường mật ham lãi suất cao. Khi thông tin không minh bạch và đầy đủ, lòng tham lợi tức và tiện ích của mô hình cho vay ngang hàng bị thổi phồng khiến cho nhiều người lao vào “như thiêu thân”.
Ba là cần có thông tin dữ liệu KYC và eKYC để kiểm soát thông tin người vay và người đi vay.
Bốn là các giới hạn cho phép đối với sàn giao dịch P2P cần được quy định rõ.
Sự chậm trễ trong quản lý của các cơ quan chức năng đã khiến hơn 400 công ty P2P ở Trung Quốc sụp đổ là bài học cần lưu ý.
|
Năm là các cơ quan quản lý cần đổi mới tư duy chính sách với loại hình kinh doanh mới. Cụ thể các vấn đề quy định về chữ kí điện tử, hợp đồng điện tử, lãi suất cho vay theo Bộ luật dân sự quy định dưới 20%...
Ông Hòe cũng nhận định: “Cần nhận thức rõ cho vay ngang hànglà loại hình kinh doanh có điều kiện, có vốn tối thiểu. Việc cung cấp sàn giao dịch cần có quy trình xác thực định danh KYC và eKYC. Đăng kí tài khoản khách hàng cho vay ra sao.
Công bố thông tin, thu xếp hợp đồng ra sao. Điều kiện của người tham gia cho vay và người lên sàn để đăng kí nhu cầu vay.
Người sử dụng dịch vụ P2P cần hiểu rõ lợi ích và rủi ro của loại hình này.
|
Nếu không hiểu biết về P2P mà nhiều người cho vay hoặc đi vay thì hệ luỵ rủi ro là rất lớn.
Quan trọng nhất, cơ quan chức năng cần có quy định về hạn mức cho vay tối đa. Với loại hình nhiều rủi ro này không nên cho vay hạn mức lớn và chỉ cho vay ngắn hạn.
Không cho vay tái tục quá 2 lần đối với người đi vay để tránh tình trạng đảo nợ. Số lượng sản phẩm cho vay, trần lãi suất và phí là những vấn đề cần xem xét”.
Lan Hương