Vietstock - Tổng dư nợ tín dụng chính sách vượt 184.000 tỷ
Tính đến ngày 30/9/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 184.727 tỷ đồng, gấp gần 26 lần so với thời điểm thành lập...
Nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân hàng đã hỗ trợ cho hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo
|
Tính đến ngày 30/9/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 184.727 tỷ đồng, gấp gần 26 lần so với thời điểm thành lập.
Đó là thông tin được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu tại văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng).
Theo đại biểu Nguyễn Tạo thì tín dụng của ngân hàng chính sách đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, nguồn vốn còn hạn chế, hạn mức cho vay chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đại biểu phản ánh, cử tri mong muốn Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn lớn hơn cho các ngân hàng chính sách để nâng mức vốn vay đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân sống ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông dân tộc thiểu số..., nhằm phát huy đầy đủ tiềm năng, hiệu quả của chương trình tín dụng rất có ý nghĩa này, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
20 chương trình đang được triển khai
Trả lời đại biểu Nguyễn Tạo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện chủ trương này, Đảng và Nhà nước đã có định hướng chỉ đạo xây dựng nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ thực hiện xóa đói, giảm nghèo đối với các đối tượng chính sách. Ngân hàng Chính sách Xã hội được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo để thực hiện tín dụng chính sách.
Đến nay ngân hàng này đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho thực hiện (như chương trình tín dụng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở,...).
Phó thủ tướng cho biết, tính đến ngày 30/9/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 184.727 tỷ đồng, gấp gần 26 lần so với thời điểm thành lập. Nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân hàng đã hỗ trợ cho hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho gần 3,7 triệu lao động; hỗ trợ cho hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 11 triệu công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 690 nghìn căn nhà.
Qua đó có thể thấy các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện có độ bao phủ lớn, rộng khắp theo địa bàn và phân nhóm đối tượng. Ngoài ra, một hộ có thể được vay nhiều chương trình khác nhau, do đó có thể tiếp cận được với nguồn vốn tương đối lớn, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Riêng đầu tư công trung hạn đã bố trí 21.978 tỷ
Về bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, Phó thủ tướng hồi âm, tính đến 30/9/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 195.970 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017.
Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 15,94% tổng nguồn vốn; nguồn vốn từ việc duy trì số dư tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước tại ngân hàng chính sách xã hội, vay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phát hành trái phiếu ngân hàng chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh chiếm 60,8% (chiếm tỷ trọng lớn nhất); nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang đạt 11.364 tỷ đồng, chiếm 5,8%.
Phó thủ tướng cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến việc huy động và bố trí nguồn lực tài chính cho ngân hàng chính sách xã hội.
Cụ thể tính đến ngày 30/9/2018 đã bố trí ngân sách Trung ương cấp vốn điều lệ (13.893 tỷ đồng); cấp vốn thực hiện các Chương trình tín dụng chính sách (17.346 tỷ đồng); cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý (22.447 tỷ đồng); có cơ chế cho phép phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (tổng khối lượng huy động là 91.008 tỷ đồng). Ngoài ra quy định các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% hàng năm (64.301 tỷ đồng); tạo điều kiện cho ngân hàng chính sách xã hội được vay một số nguồn vốn ưu đãi (như tạm ứng vốn tồn ngân của Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2007-2016, vay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...).
Riêng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước đã bố trí cho ngân hàng chính sách là 21.978 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Phó thủ tướng hồi âm đại biểu.
Về mức cho vay, thời gian qua, văn bản trả lời nêu rõ, Nhà nước đã xem xét, điều chỉnh cả về mức vốn vay và lãi suất để phù hợp với từng nhóm đối tượng, tình hình thực tế. Như, điều chỉnh mức cho vay chương trình tín dụng học sinh, sinh viên từ mức ban đầu là 800.000 đồng/tháng, qua 6 lần điều chỉnh hiện nay mức cho vay là 1.500.000 đồng/tháng; mức cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn từ mức ban đầu là 4 triệu đồng/hộ, qua 2 lần điều chỉnh hiện nay mức cho vay là 10 triệu đồng/hộ...
Đồng thời cũng giảm lãi suất cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài từ 0,6%/tháng (7,2%/năm) xuống còn 0,55%/tháng (6,6%/năm); hộ cận nghèo từ 0,72%/tháng (8,64%/năm) xuống còn 0,66%/tháng (7,92%/năm)...
Tuy nhiên, qua tiếp nhận ý kiến của các Đoàn công tác, kiến nghị của hộ vay, cử tri các địa phương, đại biểu Quốc hội trên cả nước thì một số chương trình tín dụng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay của người dân. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Ngân hàng chính sách xã hội nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ việc nâng mức cho vay một số chương trình tín dụng vào thời điểm phù hợp, Phó thủ tướng trả lời đại biểu.
HÀ VŨ