Vietstock - Tình hình giá cả thị trường năm 2017 và dự báo năm 2018
Năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành giá đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2017 của Chính phủ. Trong điều kiện tình hình kinh tế quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2018, công tác quản lý giá được Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng kế hoạch, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% do Quốc hội đề ra.
Diễn biến giá cả thị trường năm 2017
Trong năm 2017, giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới như nhóm năng lượng, kim loại, nhóm nông sản biến động tăng giảm đan xen. Nhìn chung các mặt hàng đều tăng giá trong 3 tháng đầu năm 2017, giảm giá trong các tháng tiếp theo và đang có xu hướng tăng trở lại từ quý III/2017.
Chịu ảnh hưởng một phần từ thị trường thế giới, mặt bằng giá cả thị trường trong nước năm 2017 cũng biến động theo hướng tăng thấp trong những tháng đầu năm và tăng dần trở lại trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân so cùng kỳ năm trước - thước đo chỉ tiêu lạm phát của nền kinh tế biến động giảm dần qua các tháng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2017 tăng 0,21% so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,55% (dịch vụ y tế tăng 3,30%) do trong tháng có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,13%). CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12/2017 tăng 2,6% so với tháng 12/2016, bình quân mỗi tháng tăng 0,21%.
Những nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng năm 2017
Thứ nhất, giá một số hàng hóa, dịch vụ (dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện…) được điều chỉnh tăng theo lộ trình thị trường cụ thể:
Thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng bước 2 (mức giá được kết cấu thêm chi phí tiền lương) tại 27/63 địa phương còn lại chưa thực hiện trong năm 2016, trong đó có 13 địa phương thực hiện từ ngày 21/3/2017 và 14 địa phương thực hiện từ ngày 21/4/2017.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người không có bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế được điều chỉnh theo hướng cùng mặt bằng với giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Tính đến ngày 15/12/2017 đã có 54 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I và các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán từ Quỹ BHYT.
Giá dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, tập trung vào tháng 9 là tháng diễn ra khai giảng năm học mới. Chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tháng 12/2017 tăng 7,29% so với tháng 12/2016, CPI bình quân 2017 tăng khoảng 0,5% so với năm 2016.
Với giá điện, từ 01/12/2017, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% lên mức 1.720,65 đồng/kwh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc điều chỉnh này không tác động nhiều đến CPI năm 2017.
Thứ hai, biến động tăng của giá xăng dầu và một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tác động vào giá trong nước qua kênh nhập khẩu: Tính đến ngày 15/12/2017, căn cứ vào diễn biễn thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng/giảm 15 đến 18 lần tùy từng chủng loại. So với cuối năm 2016, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu hiện tại biến động tăng khoảng từ 921-1.748 đồng/lít,kg tùy mặt hàng (tương đương tăng 5,32%-16,44%).
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng năm 2017 (%)
Nguồn: Cục Quản lý giá
|
Thứ ba, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp năm 2016 tăng khoảng 7,3% áp dụng từ 01/01/2017 và mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức được NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động tăng 90.000 đồng/tháng áp dụng từ ngày 01/7/2017.
Thứ tư, nguồn cung một số mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng cục bộ tại một số địa phương bị bão lụt làm tăng giá các mặt hàng này tại một số thời điểm.
Các nguyên nhân chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2017
Một là, giá thực phẩm giảm trong khoảng nửa đầu năm, trong đó giá thịt lợn giảm mạnh do nguồn cung tăng cao trong khi nhu cầu trong nước nhìn chung không biến động và xuất khẩu thịt lợn qua đường tiểu ngạch bị hạn chế.
Hai là, công tác chỉ đạo điều hành giá, bình ổn thị trường năm 2017 đã có sự phối hợp điều hành chặt chẽ và chủ động giữa các bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã tăng cường chú trọng công tác dự báo, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu xây dựng các kịch bản điều hành giá và đề xuất các biện pháp điều hành giá phù hợp góp phần kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cũng được điều hành linh hoạt giúp ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất. Tốc độ tăng CPI bình quân được kiểm soát, tạo dư địa thuận lợi cho việc điều hành giá một số mặt hàng nhà nước còn quản lý.
Kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2017
Năm 2017, công tác quản lý giá đã có sự phối hợp điều hành chặt chẽ, chủ động giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý vĩ mô thông qua Ban Chỉ đạo điều hành giá, Tổ công tác vĩ mô, Tổ điều hành thị trường trong nước... Theo đó, đã từng bước tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ công (khám bệnh, chữa bệnh, học phí...), không gây ra xáo trộn lớn về mặt bằng giá. Đồng thời, đã tiếp tục điều hành giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu (xăng dầu, điện, than, nước sạch, thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế, giáo dục, lúa gạo, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, xi măng, thép, LPG...) theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định tại Luật Giá và các Luật liên quan. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác công khai, minh bạch trong điều hành giá các mặt hàng này, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận, giám sát từ phía xã hội.
Dự báo lạm phát năm 2018
Năm 2018, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và việc triển khai, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp năm 2017 sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong nước rõ rệt hơn. Tuy nhiên, năm 2018 cũng tiềm ẩn rủi ro lạm phát do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động cũng tác động tới nền kinh tế trong nước.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4%. Tuy chỉ tiêu tốc độ tăng CPI năm 2018 tương đương với chỉ tiêu năm 2017, nhưng công tác quản lý điều hành giá trong năm 2017 dự báo vẫn cần hết sức thận trọng do có nhiều yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá ngay từ đầu năm, trong đó có một số yếu tố chủ yếu sau:
Giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng theo quy luật trong một số thời điểm dịp lễ, Tết và quy luật mùa vụ; xu hướng hồi phục của giá xăng dầu và một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới; giá điện tăng từ thời điểm cuối năm 2017 sẽ tác động trực tiếp lên mặt bằng giá chung và tác động gián tiếp lên chi phí sản xuất, kinh doanh nhất là thời gian cao điểm tăng cường sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất; việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục và dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình thị trường; việc điều chỉnh giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật Phí và Lệ phí...
Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố tác động kiềm chế CPI năm 2018 như: Giá cả hàng hóa thế giới nhất là các mặt hàng nông sản dự bảo ở mức thấp do nguồn cung vẫn ở mức cao; giá lương thực, thực phẩm trong nước dự báo vẫn sẽ ổn định, nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, lạm phát cơ bản ở mức thấp...
Kiến nghị biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá
Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức 4% do Quốc hội đề ra, công tác điều hành giá cần được triển khai quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về công tác quản lý, điều hành giá nói chung cũng như đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu nói riêng; Chỉ thị về bình ổn thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu của Bộ Tài chính và các bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Công Thương...).
Thứ hai, tiếp tục quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, trong đó chú trọng làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật; luôn bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ qua đó bình ổn thị trường, giá cả.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ ổn định trong năm 2018, kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,6 – 1,8%. Các bộ, ngành cần có giải pháp để thực hiện công tác kiểm soát thị trường giá cả các mặt hàng trong lĩnh vực quản lý.
Thứ tư, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả; triển khai hiệu quả công tác phối hợp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện bình ổn thị trường.
Thứ năm, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí; kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết.
Thứ sáu, đối với việc thực hiện lộ trình thị trường đối với một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ y tế trong các tháng đầu năm, giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước): Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kiểm soát mức tăng và lựa chọn thời điểm tăng phù hợp nhằm hạn chế tác động đột biến tới mức tăng CPI bình quân chung.
Thứ bảy, giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá... đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá (nếu có) đến tình hình kinh tế xã hội và CPI của địa phương và của cả nước để có phương án và lộ trình điều chỉnh phù hợp, tránh điều chỉnh vào cùng một thời điểm đẩy CPI tăng cao.
Thứ tám, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá.
Thứ chín, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý, điều hành, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
ThS. Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)