Vietstock - Tinh giản biên chế ngành y: Cuộc “cách mạng” đầy thử thách
Hiện ngành y tế đang ráo riết làm cuộc “cách mạng” tinh giản biên chế, nhưng đây là công việc đầy khó khăn, thử thách.
Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm
Vào cuối tháng 12-2017, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TPHCM, đã phê duyệt đề án tổ chức lại các trung tâm chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng thành “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM” trực thuộc Sở Y tế TPHCM.
Theo UBND TPHCM, hiện mạng lưới y tế dự phòng của thành phố có bảy đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Dinh dưỡng, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Tổng số cán bộ, viên chức và người lao động làm việc ở bảy trung tâm này là 574 người, trong đó có sáu giám đốc và 10 phó giám đốc.
Chính quyền thành phố đã yêu cầu ngay trong năm 2018 phải sáp nhập ít nhất ba trung tâm (gồm Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm Dinh dưỡng); năm 2019 tiếp tục sáp nhập ít nhất hai trung tâm (gồm Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản); năm 2020 sáp nhập hai trung tâm còn lại; cả giai đoạn sắp xếp lại từ 2018-2020 cần tinh giản 59 biên chế.
Thật ra, vấn đề đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức cán bộ, nhân viên ngành y tế từ lâu đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng, là điểm xuất phát của việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của ngành y tế. Từ năm 2015, Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ đã hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các sở y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các phòng y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Theo tinh thần của thông tư này, ban lãnh đạo của sở y tế có không quá ba phó giám đốc; số lượng tổ chức trực thuộc sở không quá bảy phòng; giám đốc, phó giám đốc sở y tế không kiêm nhiệm chức danh của đơn vị cấp dưới...
Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), nếu thực hiện đúng theo hướng dẫn của thông tư, ngành y tế có thể giảm tới 315 đầu mối là các đơn vị thuộc tuyến tỉnh, thành phố. Chỉ riêng số vị trí lãnh đạo bị giảm ở các trung tâm có cùng chức năng khi được sáp nhập lại đã có thể giảm khoảng 1.260 người. Cứ tính bình quân ngân sách phải chi lương 6 triệu đồng/tháng/người thì sau khi tinh giản, ngân sách sẽ tiết kiệm được gần 91 tỉ đồng/năm.
Cũng theo ông Tác, hiện có khoảng 17.000 viên chức sự nghiệp đang làm việc tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Trong đó, nhân lực về hành chính có khoảng 3.400 người. Số người làm việc được xác định trên cơ sở vị trí việc làm (theo Luật Viên chức) dự kiến sẽ giảm khoảng 2.140 người (chủ yếu làm các công việc như lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán...) để chuyển sang chế độ ký hợp đồng lao động, và ngân sách nhà nước có thể tiết kiệm hơn 154 tỉ đồng/năm.
Ở tuyến huyện, nếu hợp nhất 420 trung tâm y tế dự phòng huyện vào 420 bệnh viện đa khoa cấp huyện thì chỉ riêng khoản chi cho ban lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập này, ngân sách đã có thể giảm tới 121 tỉ đồng/năm. Đồng thời giảm được khoảng 10.899 người làm ở các khâu hành chính, cũng có nghĩa ngân sách sẽ không phải chi khoảng 784 tỉ đồng/năm.
Ngoài ra, trong năm 2017 vừa qua, 21 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ toàn bộ kinh phí thường xuyên với 17.584 biên chế và 1.693 lao động hợp đồng. Theo ông Tác, trừ một bộ phận tới tuổi nghỉ hưu, còn khoảng hơn 18.000 người lao động nhưng ngân sách nhà nước không còn phải chi một khoản tiền lương hơn 1.300 tỉ đồng mỗi năm. Ở tuyến y tế địa phương, 70 đơn vị tuyến tỉnh, thành phố đã tự chủ kinh phí thường xuyên, ngân sách nhà nước không còn phải chi 2.520 tỉ đồng tiền lương mỗi năm cho khoảng 35.000 biên chế...
Như vậy, nếu tính theo đúng lộ trình tinh giản biên chế của ngành y tế, từ nay đến năm 2025 ngân sách nhà nước giảm chi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm cho việc trả lương.
Khó cũng phải làm
Tại các hội nghị, hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhiều lần nêu ý kiến về việc phải tổ chức lại đội ngũ cán bộ ngành y, kể cả đưa ra những phương án như khuyến khích cán bộ nhân viên nghỉ hưu sớm, hưởng lương và phụ cấp một lần; không tuyển nhân viên mới thay thế người nghỉ hưu... Nhưng một mặt, bà Tiến cũng cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, khó khăn vì liên quan đến từng con người cụ thể. Ngành không thể ép người lao động nghỉ hưu sớm mà phải dựa trên tinh thần tự nguyện; quá trình tinh giản bộ máy phải tính tới các phương án bố trí việc làm cho nhân viên.
Tại TPHCM, ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cho biết năm 2018 TPHCM sẽ giảm số cán bộ khối sự nghiệp xuống 10%, trong đó 39 đơn vị sự nghiệp của ngành y tế thực hiện tự chủ toàn phần về tài chính sẽ tiết kiệm một khoản rất lớn cho ngân sách. Nguồn ngân sách này sẽ được dùng để thực hiện các công trình phúc lợi xã hội.
Một số vị lãnh đạo trong ngành y cũng cho biết ở nước ngoài, ngành y cũng như nhiều ngành khác, cán bộ nhân viên đều làm việc theo hợp đồng, năng lực được coi trọng, rất hạn chế tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, “học giả bằng thật”, “con ông cháu cha”... như ở xứ ta. Xu hướng này buộc cán bộ, nhân viên ngành y trong nước phải quan tâm hơn đến năng lực chuyên môn của mình, thúc đẩy các đơn vị tự chủ về tài chính và dần tiến tới cổ phần hóa doanh nghiệp.
Các vị lãnh đạo này cũng thừa nhận cung cách quản lý tập thể, thiếu người chịu trách nhiệm là mầm mống nảy sinh sự trì trệ, yếu kém trong hoạt động của một cơ sở y tế, thậm chí làm phát sinh nhiều tiêu cực. Khi tự chủ tài chính hay cổ phần hóa, các đơn vị y tế mới phát huy được sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Và khi ngân sách nhà nước được nhẹ gánh chi phí cho ngành y, phần này có thể góp phần hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mua bảo hiểm y tế.
Hoàng Nhung