Ông Trump sẽ đến thăm Fed vào thứ Năm giữa lúc căng thẳng với ông Powell và cuộc điều tra về cải tạo trụ sở
Investing.com -- Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc lên 30%, ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ có nhà máy tại Trung Quốc cảnh báo rằng họ sẽ buộc phải tăng giá bán trong những tuần tới, khi lượng hàng tồn kho giảm dần và chi phí vận chuyển leo thang.
Michael Wieder – đồng sáng lập kiêm chủ tịch hãng sản xuất đồ dùng trẻ em Lalo (phân phối qua Target và Amazon (NASDAQ:AMZN)) – cho biết công ty ông đã cố gắng giữ giá ổn định kể từ khi cuộc chiến thuế quan bùng phát trở lại. Tuy nhiên, áp lực chi phí đang khiến ông phải tính đến phương án điều chỉnh giá trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Ngay sau khi ông Trump áp mức thuế lên tới 145% đối với hàng nhập từ Trung Quốc vào ngày 9/4, Wieder đã lập tức tạm ngừng toàn bộ hoạt động vận chuyển từ Trung Quốc. Khi mức thuế được giảm xuống còn 30% hôm 12/5 sau các cuộc đàm phán song phương, ông vội vàng chuyển hàng trăm nghìn sản phẩm đang tồn kho tại các nhà máy ở Trung Quốc lên tàu về Mỹ.
Dù vậy, ông thừa nhận rằng thời gian này không đủ để tái cung ứng đầy đủ. Khoảng 90% ghế ăn trẻ em của Lalo được sản xuất tại miền nam Trung Quốc, và công ty có thể sẽ rơi vào tình trạng hết hàng một số sản phẩm thiết yếu trong thời gian ngắn.
Tình cảnh của Lalo phản ánh bức tranh rộng lớn hơn: người tiêu dùng Mỹ có thể sớm phải đối mặt với làn sóng tăng giá, trong khi trước đây phần lớn vẫn được “che chắn” khỏi tác động trực tiếp từ chính sách thuế thất thường của ông Trump. Một khảo sát gần đây của Allianz Trade cho thấy hơn một nửa số doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho biết sẽ phải chuyển chi phí gia tăng từ cuộc chiến thương mại sang người tiêu dùng.
Dù mức thuế ba chữ số với hàng Trung Quốc đã được hạ, theo ước tính của JPMorgan, mức thuế hiệu dụng trung bình mà Mỹ áp với hàng Trung Quốc hiện vẫn ở mức 41%, cao hơn nhiều so với mức 28% mà Trung Quốc áp ngược lại.
Người tiêu dùng Mỹ cũng đang bắt đầu tỏ ra thận trọng hơn: chỉ số niềm tin tiêu dùng do Đại học Michigan công bố đầu tháng 5 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022 – thời điểm lạm phát chạm đỉnh 9,1%.
Nhiều nhà bán lẻ Mỹ đã đẩy mạnh tích trữ hàng hóa từ đầu năm để đi trước chính sách thuế của ông Trump, nhưng đà này đang chậm lại. Theo chỉ số Logistics Managers’ Index, tốc độ tăng hàng tồn kho trong tháng 4 là chậm nhất từ đầu năm.
Tại Chicago, Jimmy Zollo – nhà sáng lập hãng thời trang Joe & Bella chuyên thiết kế quần áo “thích ứng” cho người cao tuổi – cho biết ông đã chủ động đẩy hàng khỏi Trung Quốc từ mùa thu năm ngoái, dù phải chịu chi phí lưu kho tăng cao. Giờ đây, sản phẩm bán chạy nhất của công ty – quần dài – đã hết tới 80%.
Zollo nói thời gian sản xuất và giao hàng một đơn hàng lớn quần dài có thể mất tới 110 ngày, trong khi áo len chỉ mất 75 ngày và tất là 30 ngày. “Chúng tôi đang thiếu hàng nghiêm trọng,” ông nói. “Chúng tôi hy vọng không phải tăng giá, nhưng cũng cần đảm bảo doanh nghiệp có lãi. Đây là một ranh giới rất mong manh.”
Zollo cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương hơn vì phần lớn nguyên liệu (vải, khóa kéo, nam châm…) đều nhập từ Trung Quốc. “Chính sách thuế này ảnh hưởng nặng hơn tới doanh nghiệp nhỏ so với các ông lớn,” ông nhận định.
Một khảo sát của Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (NAM) hồi tháng 2 cho thấy 87% doanh nghiệp vừa và nhỏ có kế hoạch tăng giá – một phần vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Ngay cả các “ông lớn” cũng phải cân nhắc điều chỉnh giá. Walmart cảnh báo sẽ tăng giá nhiều mặt hàng, từ đồ dùng học sinh cho đến quà Giáng sinh. Đáp lại, ông Trump viết trên mạng xã hội ngày 17/5 yêu cầu Walmart “tự gánh thuế” thay vì đẩy sang người tiêu dùng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sau đó cho biết Walmart sẽ hấp thụ một phần chi phí.
CEO Patrice Louvet của Ralph Lauren cũng tiết lộ đang đánh giá các phương án tăng giá trong cuối năm nay và đầu 2026 để “bù đắp ảnh hưởng từ các mức thuế mới.” Nike (NYSE:NKE) thì cho biết sẽ điều chỉnh giá bán một số mẫu giày tại Mỹ từ đầu tháng 6. Trong khi đó, Lenovo – hãng sản xuất máy tính Trung Quốc chiếm hơn 10% thị phần laptop tại Mỹ – cũng đã tăng giá sản phẩm do chi phí tăng vì thuế, theo Chủ tịch kiêm CEO Dương Nguyên Khánh.
Ngược lại, Richard McPhail – Giám đốc tài chính của chuỗi bán lẻ Home Depot – cho biết công ty không có kế hoạch tăng giá, nhờ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong những năm gần đây. Hơn 50% sản phẩm mà công ty bán ra có nguồn gốc từ Mỹ.
Tuy nhiên, ngay cả các doanh nghiệp không bị đánh trực tiếp bởi thuế mới cũng gặp khó trong việc giữ giá, do chi phí vận chuyển toàn cầu đang tăng nhanh.
Theo dữ liệu từ Drewry, một hãng tư vấn vận tải biển tại London, giá cước vận chuyển container 40 feet đã tăng 10% so với đầu tháng 5, lên mức 2.276 USD. Bà Kathy Liu, Phó Chủ tịch Dimerco Express Group, cho biết giá cước đã tăng khoảng 20% chỉ trong một tuần và có thể tăng gấp ba lần lên hơn 6.000 USD vào giữa tháng 6.
Trở lại với Joe & Bella, Zollo cho biết ông từng phải dừng một lô hàng nhỏ từ Trung Quốc sau khi ông Trump áp thuế 145%, dù mặt hàng này (quần áo cho người già và người khuyết tật) trước đó được miễn thuế. Ông đã liên hệ với Quốc hội và cơ quan hải quan Mỹ để xác minh về việc miễn trừ, nhưng không nhận được câu trả lời rõ ràng. “Không ai thực sự biết chuyện gì đang xảy ra,” ông nói. Cuối cùng, ông phải chờ đến khi mức thuế hạ xuống 30% mới dám tiếp tục vận chuyển.
Zollo kết luận: “Chi phí gia tăng với chúng tôi không chỉ là tiền, mà là thời gian bị trì hoãn, hàng tồn kho phải nhập sớm và phí lưu kho – tất cả đều làm giảm lượng tiền mặt mà chúng tôi có thể sử dụng. Chính sách bất ổn khiến chúng tôi phải cắt giảm sản phẩm mới từ hơn một chục dòng trong năm 2024 xuống chỉ còn hai dòng trong năm nay.”
(Theo Nikkei Asia)