Vietstock - Thông tin bất ngờ về công ty AMAX bị điều tra 'thổi giá' AVG
Tại thời điểm được thuê định giá tài sản trong thương vụ Mobifone mua AVG, Công ty TNHH Đầu tư và Thẩm định giá AMAX mới hoạt động được vài năm, có số vốn điều lệ vỏn vẹn 3,8 tỷ đồng... Nhưng không hiểu lý do gì Mobifone lại lựa chọn AMAX và lấy kết quả thẩm định của công ty này làm cơ sở để thương thảo bản hợp đồng trị giá nghìn tỷ.
Giám đốc AMAX Võ Văn Mạnh (phải) và nhân viên đều bị bắt giam vì liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG.
|
Trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, Công ty AMAX là một trong bốn công ty được chọn để tư vấn định giá (Cty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS); Cty TNHH Hãng Kiểm toán AASC; Hà Nội Valu và AMAX).
Tìm hiểu về Công ty AMAX cho thấy, Công ty được thành lập ngày 25/6/2010 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp phép, trụ sở chính tại 50-C9 đường 11, khu Miếu Nổi, P2, Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh.
Người đại diện pháp luật là Giám đốc Nguyễn Văn Mạnh (SN 1976) – người vừa bị cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, với vai trò đồng phạm với các bị can trong vụ án xảy ra tại Mobifone và các đơn vị liên quan. Đến năm 2015, Công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 3,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, AMAX tự giới thiệu là thuộc top 10 trong lĩnh vực thẩm định giá ở Việt Nam với loạt khách hàng lớn như Vietcombank (HM:CTG), SCB, Tập đoàn Hoàn Cầu, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát... Ngoài trụ sở chính tại TP.HCM, AMAX còn đặt văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Quảng Bình, Buôn Mê Thuột, Cà Mau.
Theo website của AMAX, công ty này cung cấp 8 đầu mục dịch vụ gồm: thẩm định giá; thẩm tra dự toán, quyết toán công trình; tư vấn dự án đầu tư; tư vấn đấu thầu; tư vấn doanh nghiệp; nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận…
Vào thời điểm năm 2015, AMAX mới đi vào hoạt động được vài năm, kinh nghiệp và năng lực trong thẩm định giá vẫn còn là “ẩn số” và đặc biệt ngành nghề hoạt động chẳng liên quan gì tới lĩnh vực truyền hình số nhưng không hiểu vì sao lại được Mobifone lựa chọn để định giá tài sản AVG.
Trong số bốn công ty tham gia định giá tài sản cho thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG thì AMAX là công ty đưa ra con số thẩm định thấp nhất là 16.565 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng. Sau đó, kết quả định giá của AMAX được Mobifone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.
Tuy nhiên, TTCP xác định, kết quả thẩm định giá của AMAX đưa ra là không có cơ sở. Công ty này đã sử dụng nguồn tài liệu bất hợp pháp trong quá trình định giá AVG. Mặt khác, Mobifone chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong các đơn vị tư vấn, không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu, vi phạm quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Được biết, sau khi TTCP ban hành kết luận, AMAX cũng đã gửi văn bản giải trình về cơ sở đưa ra con số định giá AVG và cho biết đã thực hiện thẩm định giá căn cứ theo hợp đồng đã ký với Mobifone; sử dụng hồ sơ, tài liệu do Mobifone cung cấp.
Dù thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, nợ cả nghìn tỷ, làm truyền hình thì thua lỗ, song các công ty tư vấn định giá nêu trên đã “dán” những con số khủng lên thương hiệu của AVG. Cty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định là 24.548 tỷ đồng; Cty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thẩm định 33.299 tỷ đồng; Hà Nội Valu thẩm định 18.519 tỷ đồng. Còn Cty Tư vấn Đầu tư và thẩm định giá AMAX đưa ra con số thẩm định là 16.565 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng. |
Dương Lê