Vietstock - Techcombank: Nợ xấu tăng lên 2.05% bất chấp lãi ròng 9 tháng tăng 60%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HOSE: TCB) vừa công bố, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 6,209 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 2.05%.
Thu nhập lãi thuần của TCB trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 8,167 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Theo báo cáo, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm TCB đều cho kết quả khả quan.
Trong khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 25% (2,113 tỷ đồng) và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 21% (gần 247 tỷ đồng), thì hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng vọt gấp 2.3 lần cùng kỳ khi đạt gần 29 tỷ đồng và lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng 42% (703 tỷ đồng). Lãi thuần từ hoạt động khác không thay đổi nhiều, đạt hơn 1,053 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng 14% chiếm hơn 3,733 tỷ đồng.
Thu nhập hoạt động lũy kế 9 tháng đầu năm của TCB đạt 13,294 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng giảm từ 53% xuống 48%.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của TCB đạt 7,774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 77% kế hoạch. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng thu nhập hoạt động do TCB đã xử lý xong nợ xấu bán cho VAMC.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 30%, chỉ còn chiếm hơn 1,786 tỷ đồng, do đó lợi nhuận sau thuế của TCB tăng 60%, đạt hơn 6,209 tỷ đồng.
Tính riêng trong quý 3, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng TCB lại gấp 4.7 lần cùng kỳ, chiếm hơn 742 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận trước và sau thuế của TCB tăng 22% và 21%, đạt lần lượt 2,577 tỷ đồng và 2,059 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2018 của Ngân hàng TCB. Đvt: Tỷ đồng
|
Trong 9 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh không thay đổi nhiều, dương hơn 5,561 tỷ đồng. Đáng chú ý lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương hơn 13,641 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 4,035 tỷ đồng do tiền chi thanh toán giấy tờ có giá dài hạn đủ điều kiện tính vào vốn tự có và các khoản vay dài hạn khác và tiền thu được do bán cổ phiếu quỹ.
Tính đến hết tháng 9/2018, TCB đang trên đà đạt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34.17%. Việc TCB chủ động giảm tỷ lệ này xuống dưới 40% trước 1/1/2019 là để Ngân hàng đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng một cách liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn của NHNN.
Tính đến 30/09/2018, tổng tài sản của TCB đạt hơn 311,796 tỷ đồng, tăng nhẹ 16% so với cùng kỳ. Tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng cũng tăng 13% và 4%, đạt lần lượt 193,583 tỷ đồng và 166,939 tỷ đồng, thực hiện được 78% kế hoạch năm.
Trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 4% thì nợ xấu của Ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng đến 33% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm 21% thì nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 31%. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 2.05% so với 1.61% hồi đầu năm.
Chất lượng nợ vay quý 3/2018 của Ngân hàng TCB. Đvt: Tỷ đồng
|
Tỷ số an toàn vốn (CAR) của TCB vào thời điểm cuối tháng 9/2018 đạt mức 14.33%, cao hơn đáng kể (2.31%) so với cùng kỳ là do mức độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản. Điều này phản ánh mức độ thận trọng của TCB trong việc quản lý mức độ tăng trưởng tín dụng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2018, TCB duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE) cao, ở mức 25.4% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) là 3.2%.
Hàn Đông