Vietstock - “Tăng trưởng quý 1 thấp hơn kịch bản là hợp lý với điều hành”
"Chính phủ vừa rồi lo tăng trưởng GDP quý 1 thấp hơn so với kịch bản đưa ra. Nhưng theo tôi, tăng trưởng như thế là hợp lý với định hướng điều hành"...
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.
|
"Chính phủ vừa rồi lo tăng trưởng GDP quý 1/2019 thấp hơn so với kịch bản được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Nhưng theo tôi, tăng trưởng như thế là hợp lý với định hướng điều hành", chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói tại Hội thảo do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 25/3.
Bởi theo ông, điều "chắc chắn" nhất có thể dự báo hiện nay là "kinh tế thế giới rất khó đoán, tính bất định rất cao và tạo áp lực rất lớn đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam".
Nên chuẩn bị cho sự linh hoạt phù hợp
Ông Võ Trí Thành phân tích, tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc đang giảm tốc nhanh so với dự báo cách đây 2-3 tháng. Mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc năm nay chênh lệch rất lớn so với con số mục tiêu được đưa ra trước đó.
"Nếu 6 tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc cũng giảm mạnh hơn so với kỳ vọng, thế giới xuất hiện nhiều yếu tố bất định thì vùng kháng cự của Việt Nam sẽ ở đâu", ông Võ Trí Thành nêu câu hỏi.
Ông phân tích, chính sách tiền tệ của Việt Nam là chính sách thận trọng "bảo thủ" vì ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh này, Việt Nam phải có chuẩn bị cho sự linh hoạt phù hợp. Về chính sách tài khoá, nguyên tắc vàng là chi ít hơn thu nhưng hiện nay tình hình ngân sách của Việt Nam có rất nhiều vấn đề.
Báo cáo "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khoá bền vững và hỗ trợ tăng trưởng" của Đại học Kinh tế Quốc dân do PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng quản lý khoa học trình bày cho thấy nhiều điểm đáng lưu ý. Quy mô chi ngân sách nhà nước từ năm 2005 đến nay đều đã xấp xỉ 30% GDP, cao hơn trung bình các nước đang phát triển có cùng trình độ và lớn nhất khu vực ASEAN.
Trong đó, đáng chú ý, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước đã liên tục cao khoảng 70% kể từ năm 2008. Đặc biệt, chi tiêu cho quản lý hành chính liên tục tăng cho thấy Việt Nam chưa đạt được kết quả tốt trong cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công.
Tổng chi cho lương trong ngân sách tương đối cao so với các quốc gia khác trong khu vực, tương đương với các quốc gia thu nhập trung bình. Với xu hướng như hiện nay, tỷ lệ chi lương của Việt Nam có thể dễ dàng vượt mức bình quân của các quốc gia thu nhập trung bình trong thời gian ngắn, và vào năm 2020, có thể cao hơn cả tỷ lệ hiện nay của các quốc gia thu nhập cao. Ngoài ra, chi trả nợ cũng chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng chi ngân sách nhà nước và đang có xu hướng ngày càng tăng.
Trong khi chi đang "phình to" thì phần thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết áp lực thu của Việt Nam là rất lớn khi nguồn thu thuế giảm do các cam kết hội nhập, do giá dầu thế giới giảm và do giảm thuế doanh nghiệp từ chính sách ưu đãi.
Vậy thu bù đắp chi sẽ như thế nào?
Theo ông Võ Trí Thành, bù đắp sự thiếu hụt nguồn thu của Việt Nam gần đây chủ yếu từ thuế đất nhưng nguồn này giờ cũng bắt đầu chững lại, chẳng hạn như ở Đà Nẵng. Thuế tài sản được xem là giải pháp thay thế nhưng đưa ra năm 2014 và gần đây nhất đều "bị ý kiến". "Vì vậy, xem xét giải pháp chuyển từ thuế trực thu sang thuế gián thu một cách hợp lý cần phải được xem xét một cách căn cơ và phù hợp", ông nói.
Quan trọng nhất, theo ông Võ Trí Thành, bài toán tổng thể lớn nhất của Việt Nam phải là bền vững. "Nhưng bền vững, với tôi, không phải là thu mà là chi", vị chuyên gia nói.
Vì tổng mức chi lương cho công chức cao trong khi lương cho từng công chức lại rất thấp. Có 6-7 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp… hàng tháng là một con số quá lớn. Đây là vấn đề còn lớn hơn so với cả chi cho đầu tư phát triển.
"Do đó, nếu chỉ cấu trúc phần thu mà không đặt ưu tiên phần chi thì không đạt được vấn đề", ông Võ Trí Thành khuyến nghị.
NGÂN HÀ