Vietstock - Áp lực lạm phát có đáng lo?
2019 có giữ được lạm phát dưới 4% hay không? Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề tại buổi làm việc với đại diện một số cơ quan, tổ chức, chiều 19/4.
Buổi làm việc của Uỷ ban Kinh tế với đại diện một số cơ quan, tổ chức.
|
Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị cho báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế -xã hội mà Uỷ ban Kinh tế được giao chủ trì, sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7, khai mạc vào 20/5 tới đây.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì áp lực lạm phát năm 2019 không quá lớn do giá hàng hóa thế giới được dự báo chỉ ở mức tương đương năm 2018 do giá cả hàng hóa dự kiến không biến động nhiều, do nhu cầu thế giới ít có khả năng gia tăng đột biến và căng thẳng thương mại, nhất là giữa Mỹ với Trung Quốc.
Trong một số giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới, báo cáo của Bộ nêu rõ, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp để tổ chức lại, phát triển bứt phá thị trường trong nước gắn với thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu các mặt hàng thiết yếu để phục vụ công tác điều hành thị trường. Chỉ đạo triển khai tích cực chương trình bình ổn thị trường; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát (Chỉ số CPI bình quân dưới 4%), bảo đảm an sinh xã hội.
Tại buổi làm việc chiều 19/4, hồi âm Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng sức ép lạm phát trong những tháng còn lại của 2019 cao do tác động của nhiều yếu tố. Nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường với điện, dịch vụ giáo dục, y tế.
Ông Khôi phân tích, việc điều chỉnh giá bán điện tăng 8,63% được thực hiện từ cuối quý 1 sẽ có tác động tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng, qua đó tác động bất lợi đến tăng trưởng từ quý 2.
Nếu cộng hưởng việc điều chỉnh giá điện với điều chỉnh giá xăng dầu gần đây thì tác động suy giảm tăng trưởng có thể lớn hơn so với dự báo, dự kiến làm giảm GDP khoảng 0,6-0,8%.
Cũng liên quan đến lạm phát, báo cáo kinh tế vĩ mô được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát hành sáng 19/4 nhận xét, lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Như vậy, điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.
Tuy nhiên, lưu ý tại báo cáo là lạm phát cơ bản quý 1 đã vượt mục tiêu cả năm 2019 (1,6-1,8%). Điều này đòi hỏi phải tiếp tục theo dõi để có các biện pháp phù hợp hơn nhằm ổn định lãi suất và tỷ giá trong các tháng cuối năm.
Theo báo cáo của CIEM, trong thời gian tới, CPI có thể chịu áp lực tăng từ các yếu tố như điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá (điện, dịch vụ y tế), tăng lương tối thiểu vùng, bất định về giá xăng dầu thế giới, và một số diễn biến bất lợi trong nước (dịch tả lợn châu Phi).
Giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019, có thể tác động lên mặt bằng giá chung. Mặc dù tính toán của Bộ Công thương – Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Thống kê cho thấy tác động của tăng giá điện lên mặt bằng giá không quá lớn.
Các giải pháp kích thích tăng trưởng – trong khung chính sách vĩ mô hiện hành – khó gây áp lực đáng kể đối với lạm phát. Trong chừng mực ấy, thực hiện mục tiêu lạm phát CPI năm 2019 vẫn được bảo đảm. Bên cạnh đó, cần tính tới tác động tổng hợp của tăng giá các mặt hàng cơ bản của sản xuất và tiêu dùng (điện, xăng dầu....) trong các kịch bản điều hành chung, báo cáo của CIEM nhận định.
Hà Vũ