Vietstock - Sửa đổi thuế chuyển nhượng vốn: Thị trường M&A Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?
Thuế chuyển nhượng vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư nước ngoài xem xét có rót vốn vào Việt Nam hay không.
Đánh 1% thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu các thương vụ chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài là một trong những đề xuất của Bộ Tài chính sửa đổi 5 Luật Thuế đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp. Thậm chí, xuất hiện những ý kiến lo ngại rằng cách đánh thuế như vậy có thể gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua các thương vụ chuyển nhượng vốn, mua bán và sáp nhập (M&A).
Theo đó, trong dự thảo sửa đổi luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất, để đơn giản trong việc kiểm soát thu thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước, Chính phủ quy định tỷ lệ thu thuế đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam luôn là 1% trên doanh thu, thay cho mức 20% trên thu nhập như hiện tại.
Đại diện Cục Thuế TP.HCM thừa nhận tình trạng doanh nghiệp kê khai giá chuyển nhượng và giá vốn là phổ biến. Trong khi cơ quan thuế lại chẳng biết dựa vào đâu để thẩm định mức giá chuyển nhượng này.
Giới chuyên gia phân tích, việc Bộ Tài chính đề xuất thay thế cách tính thuế từ 20% thu nhập từ chuyển nhượng vốn bằng cách tính trực tiếp 1% trên giá chuyển nhượng sẽ đảm bảo trong trường hợp chuyển nhượng vốn nào cũng có thể thu được thuế. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, có thể gây ra sự bất hợp lý cho một số trường hợp chuyển nhượng vốn nhưng không phát sinh thu nhập.
Theo đánh giá của nhóm phân tích công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc thu thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Tài chính trong việc thực thi thu loại thuế này. Mỗi thương vụ phát sinh, Bộ Tài chính chắc chắn đều sẽ thu được thuế và cũng không mất thời gian và công sức phải xác minh về mức giá chuyển nhượng vốn liệu có hợp lý hay không.
Tỷ lệ 1% trên doanh thu thấp hơn nhiều mức 20% chênh lệch trên giá chuyển nhượng nhưng đảm bảo sẽ thu được thì trong nhiều trường hợp sẽ hơn hẳn mức thuế 20% mà không thu được đồng thuế nào.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, thuận lợi cho người thu thuế cũng đồng nghĩa sẽ đẩy phần bất lợi cho người nộp thuế. Bản chất của việc nộp thuế là phải có thu nhập mới phải nộp. Với đề xuất này, người bán trong thương vụ dù lãi hay lỗ cũng đều sẽ phải nộp thuế 1% doanh thu (sẽ đặc biệt thiệt thòi đối với những thương vụ lỗ).
Về tác động của cách thu thuế mới đối với thị trường M&A Việt Nam, BVSC cho rằng cách tính thuế mới tuy có ảnh hưởng nhất định nhưng tác động sẽ không quá lớn.
Bởi lẽ thuế chuyển nhượng vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư nước ngoài xem xét có rót vốn vào Việt Nam hay không. Điều mà nhà đầu tư quan tâm hơn cả khi thực hiện M&A là chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp và các cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong tương lai.
“Về chính sách thuế trong dài hạn, nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm và yêu cầu nhiều hơn về một chính sách thuế cụ thể, minh bạch, ổn định và có thể tiên liệu trước. Đây mới là một trong những điểm mấu chốt Chính phủ cần hướng đến nếu muốn tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường M&A” – BVSC nhận định.