Vietstock - PMI tháng 11 đạt 50.8 điểm, cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp sau bão Yagi
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global vẫn nằm trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 11, cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp sau khi suy giảm do bão Yagi trong tháng 9. Tuy nhiên, kết quả 50.8 điểm giảm so với 51.2 điểm của tháng 10, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất chỉ mạnh lên ở mức khiêm tốn.
Cũng như các điều kiện kinh doanh tổng thể, sản lượng ngành sản xuất tăng tháng thứ 2 liên tiếp, nhưng tốc độ tăng chậm hơn tháng 10.
Một số công ty tăng sản lượng để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng, nhưng những công ty khác lại báo cáo nhu cầu yếu nên sản lượng tăng chậm lại. Mặc dù tổng số đơn đặt hàng mới tăng trong bối cảnh nhu cầu cải thiện và có thêm khách hàng mới, sự yếu kém của nhu cầu quốc tế đã ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung.
Trên thực tế, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm liên tục sau khi tăng nhẹ trong tháng trước đó, hoạt động xuất khẩu giảm với mức mạnh nhất kể từ tháng 7/2023.
Trong khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, mặc dù với tốc độ yếu hơn, việc làm giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 11. Trong một số trường hợp, các công ty đã giảm số lượng nhân viên để giúp giảm chi phí.
Với số lượng nhân viên giảm, các công ty tiếp tục gặp khó khăn trong việc hoàn thành kịp thời các đơn hàng. Kết quả là, lượng công việc tồn đọng tăng tháng thứ 6 liên tiếp, mặc dù tốc độ tăng chậm nhất kể từ tháng 6.
Nỗ lực của các công ty nhằm kiểm soát chi phí khiến giá đầu vào tăng với tốc độ chậm hơn một chút trong tháng 11, mức tăng này yếu hơn mức trung bình năm 2024 tính đến nay. Những nơi giá đầu vào tăng là do nguồn cung khan hiếm và đồng tiền yếu.
Tương tự, giá đầu ra chỉ tăng nhẹ trong tháng 11, tốc độ tăng giá hầu như ngang bằng tháng trước.
Các nhà sản xuất tiếp tục đối mặt tình trạng kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp vào giữa quý cuối năm. Thời gian giao hàng bị kéo dài tháng thứ 3 liên tiếp, mức độ kéo dài lớn hơn tháng 10. Các nhà cung cấp gặp phải những vấn đề trong khâu vận tải và khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu.
Trong khi đó, các công ty giảm hoạt động mua hàng lần thứ 2 trong 3 tháng qua, sau khi tăng nhẹ trong tháng 10. Việc giảm mua hàng hóa đầu vào và các vấn đề của khâu giao hàng nguyên vật liệu khiến tồn kho hàng mua giảm trở lại, với tốc độ giảm đáng kể. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi hàng trong kho được dùng để đáp ứng các yêu cầu đơn đặt hàng. Mức giảm mạnh lần này là đáng kể nhất kể từ tháng 7.
Niềm tin kinh doanh giảm tháng 2 hai liên tiếp, với mức giảm thấp nhất kể từ tháng 1. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn lạc quan sản lượng sẽ tăng trong năm tới, với các kỳ vọng liên quan đến kế hoạch ra mắt sản phẩm mới và mở rộng kinh doanh, cộng với các đơn đặt hàng mới tăng.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói: "Trong khi ngành sản xuất của Việt Nam vẫn tăng trưởng trong tháng 11, đã có một chút thất vọng khi tốc độ tăng sản lượng và các đơn đặt hàng mới chững lại một chút thay vì tiếp tục lấy được động lực sau sự gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra vào tháng 9. Ở mức độ nào đó, tăng trưởng chậm lại phản ánh sự suy yếu của nhu cầu quốc tế, khi xuất khẩu giảm với mức độ lớn nhất kể từ tháng 7/2023.
Các công ty tiếp tục quan tâm đến việc kiểm soát chi phí, và điều này góp phần làm giảm việc làm, từ đó hạn chế khả năng các công ty trong việc hoàn thành đơn đặt hàng đúng hạn. Hy vọng những tháng tới, nhu cầu sẽ mạnh lên, từ đó giúp các công ty tự tin tăng công suất".
Gia Nghi