💎 Khám Phá Những Cổ Phiếu Bị Định Giá Thấp Tại Mọi Thị TrườngBắt đầu

'Phổ cập' thanh toán điện tử

Ngày đăng 15:48 12/09/2018
'Phổ cập' thanh toán điện tử

Vietstock - 'Phổ cập' thanh toán điện tử

Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số, bằng cách này chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước.

Ảnh: Ngọc Dương

Trong khi nhiều ý kiến lo lắng về sự chậm trễ của các doanh nghiệp VN trước sự tham gia ngày càng nhanh, nhiều và mạnh của các công ty nước ngoài vào mảng thanh toán điện tử, các công ty viễn thông khẳng định, ngay sau khi được đồng ý, họ có thể phủ thanh toán điện tử tới tận bản làng.

Đồng ý, 100% dân số có thể thanh toán điện tử

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Thông tin - Truyền thông cuối tuần qua, lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) viễn thông đã kiến nghị Chính phủ cho phép tham gia vào thị trường thanh toán điện tử. Tập đoàn bưu chính - viễn thông VN (VNPT) lẫn Tập đoàn công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel) cùng kiến nghị Chính phủ và Bộ Thông tin - Truyền thông sớm có chính sách cho phép tham gia vào các khâu trong thanh toán điện tử. Bởi thanh toán không tiền mặt trên thế giới đã phát triển lâu nhưng tại VN vẫn còn triển khai chậm. Việc phổ cập dịch vụ ngân hàng (NH) tới 100% dân số là khá khó khăn trong khi các nhà mạng có kênh thẻ cào phủ rất rộng, nếu sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ sẽ tiện lợi hơn.

Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản NH chỉ có độ phủ 30 - 40%. Do đó, bằng cách này chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào VN chiếm lĩnh thị trường. Thậm chí chỉ cần Chính phủ cho phép thì chỉ ngay ngày hôm sau NH điện tử có thể phủ tới 100% dân.

Hiện các DN viễn thông VN đều có tiềm lực mạnh về khoa học, công nghệ, tài chính, có hạ tầng và các kênh bán hàng rộng khắp trên cả nước. Do đó, việc cấp phép cho các DN viễn thông sẽ tận dụng hiệu quả các thế mạnh sẵn có góp phần thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tài chính, NH.

Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo NH Nhà nước cấp phép cho DN Viettel, VNPT làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các NH và các DN, các DN và cá nhân.

Trên thực tế, hiện nay cả VNPT và Viettel đều đã cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử là VNPT Pay và Viettel Pay hay NH di động Bank Plus. Các sản phẩm này đều cung cấp cho khách hàng một ví điện tử trên điện thoại di động với các tính năng cơ bản như nạp rút tiền từ NH vào ví và ngược lại, chuyển tiền giữa các ví điện tử, thanh toán hóa đơn, mua thẻ cào di động… cho nhiều dịch vụ khác nhau của nhà mạng này cũng như dịch vụ bên ngoài.

Người nông dân cũng dễ tham gia

Theo TS Lê Đạt Chí - Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), Chính phủ nên sớm cho phép các đơn vị viễn thông tham gia thị trường này để tận dụng và khai thác tài nguyên sẵn. Hạ tầng công nghệ, lượng khách hàng với đầy đủ thông tin chi tiết rộng lớn trên khắp cả nước là thế mạnh lớn nhất của DN viễn thông. Nếu không cho phép họ tham gia đồng nghĩa bỏ phí lượng tài nguyên lớn.

Ông Chí phân tích: Phát triển công nghiệp 4.0 là bắt đầu những sự việc cụ thể như ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Hệ thống NH đang bị pháp luật bảo vệ chặt chẽ nên quá trình cải cách luôn chậm hơn những ngành khác. Trong khi đó, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đang tập trung vào kinh tế chia sẻ, nền kinh tế dựa trên lập trình ứng dụng (API) sẽ giúp thúc đẩy nhiều DN tham gia phát triển mạnh hơn dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt.

Thanh toán qua ví điện tử có thể được phổ cập khi nhà mạng tham gia Ảnh: Ngọc Dương

Trong đó đẩy nhanh tốc độ xử lý các giao dịch, bảo mật hơn và từ đó tiết kiệm được nhiều chi phí hơn cho cả nền kinh tế. Ví dụ, hiện nay không ai muốn chạy ra NH chỉ để trả tiền điện thoại, tiền nước hay cước phí internet hằng tháng. Mọi dịch vụ thanh toán đều có thể thực hiện trên điện thoại di động. Do đó nếu có sự tham gia của công ty viễn thông, người dân ở vùng sâu vẫn thực hiện được trong khi NH không thể mở rộng phòng giao dịch đến tận bản làng.

“Càng nhiều DN tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính, chi phí cho người dùng nói riêng và nền kinh tế sẽ giảm đi. Thế giới đang phát triển như vũ bão với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều lĩnh vực, trong đó tài chính NH là một ngành quan trọng. VN không thể chậm trễ hơn nữa trong cuộc chơi này. Hơn nữa phát triển thanh toán điện tử cũng đồng nghĩa việc giảm sử dụng tiền mặt tại VN. Bản thân các NH cũng phải tham gia mạnh hơn nữa nếu không sẽ bị tụt hậu phía sau và đến lúc nào đó sẽ bị đào thải”, TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Bùi Quang Tín, Trường đại học NH TP.HCM, phân tích: Dữ liệu khách hàng của những công ty viễn thông là “mỏ vàng” lớn mà bất kỳ dịch vụ nào cũng muốn khai thác. Với lượng thuê bao điện thoại lên vài chục triệu người thì việc phát triển dịch vụ thanh toán sẽ thuận tiện. Đặc biệt khi nhà mạng cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, khách hàng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Độ phủ sóng của các nhà mạng hiện nay là 100% trên các tỉnh thành và người dân thấy rất quen thuộc đối với việc sử dụng điện thoại.

Trong khi đó, để kêu gọi người nông dân ra mở tài khoản NH nhằm thực hiện các giao dịch thanh toán thì quá khó, nhưng nếu thực hiện các dịch vụ này ngay trên điện thoại thì họ sẽ dễ tiếp nhận hơn.

Kích thích thương mại điện tử

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết ở nước ngoài, việc tham gia của các công ty viễn thông vào hoạt động thanh toán, kết nối với NH để tạo ra mạng lưới thanh toán điện tử khá nhiều. Mạng lưới viễn thông hiện nay rộng hơn mạng lưới NH nhiều nên việc cho phép công ty viễn thông thực hiện thanh toán sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc thanh toán không dùng tiền mặt, giải quyết được điểm “nghẽn” của thị trường thương mại điện tử ở VN.

Tuy nhiên, ông Hiếu phân vân không biết việc triển khai này tại VN sẽ như thế nào nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là đảm bảo tính bảo mật cao nhất. Ví dụ người bị mất cắp điện thoại, vậy họ có thể bảo vệ tài khoản thanh toán của mình được không?

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng hoàn toàn ủng hộ kiến nghị cho các công ty viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử. Nhưng ông cho rằng cần đưa ra một số điều kiện về năng lực tài chính, công nghệ, con người, hệ thống kiểm soát rủi ro, đặc biệt rủi ro liên quan đến ví điện tử, kiểm soát chống rửa tiền, đánh bạc. Các công ty này cần có sự phối hợp với các tổ chức tín dụng để đạt được mục tiêu cuối cùng tạo ra tiện lợi hơn với giá rẻ hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, các công ty viễn thông có thể phối hợp với các công ty thuộc lĩnh vực fintech (công nghệ chuyên về tài chính) để tạo ra hệ sinh thái khách hàng hoàn chỉnh.

Vị chuyên gia này cho hay với sự tham gia của các công ty viễn thông, tốc độ thanh toán điện tử sẽ tăng nhanh hơn trước để phù hợp với sự phát triển công nghệ 4.0, đáp ứng xu thế không dùng tiền mặt và đặc biệt là phục vụ cho thương mại điện tử. Trong 3 năm gần đây, tốc độ thanh toán điện tử tăng trung bình từ 15 - 17% qua các năm và con số này có thể sẽ còn tăng thêm khi có sự tham gia của các công ty viễn thông.

Tuy nhiên để đạt được mức tăng trưởng mạnh trong thanh toán điện tử, cần có những điều kiện như nhất quán trong chủ trương không dùng tiền mặt, nâng cao kiến thức người dân, phát triển hạ tầng thông tin, hoàn thiện môi trường pháp lý... nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên, cũng như kiểm soát rủi ro trong thanh toán điện tử.

Giao dịch tiền mặt còn lớn

Theo NH Nhà nước, số lượng thẻ mà các NH phát hành tính đến cuối quý 2/2018 lên 141,59 triệu thẻ. Số lượng thiết bị chấp nhận thẻ hiện lên hơn 18.280 ATM, hơn 289.000 POS, EFTPOS/EDC. Giao dịch vẫn chủ yếu tập trung vào việc rút tiền mặt tại ATM với hơn 211,2 triệu giao dịch với số tiền 592.300 tỉ đồng. Lượng giao dịch qua các máy chấp nhận thẻ (POS) chỉ đạt 49,9 triệu giao dịch với số tiền hơn 104.000 tỉ đồng.

Mai Phương - Thanh Xuân

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.