Vietstock - Áp lực tỷ giá 2019 giảm, tăng lãi suất thấp
Đó là nhận định của các chuyên gia về thị trường tiền tệ tại Hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam thường niên do Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức chiều ngày 08/01.
TS. Bùi Quang Tín – Khoa QTKD Đại học Ngân Hàng - nhận định trong năm 2018, USD tăng giá 6.25% so với CNY, trong khi VND mất giá 2.72% so với USD, tạo ra áp lực rất lớn cho thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hàng hóa từ Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ về Việt Nam, CNY sẽ tiếp tục phá giá, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2019 thế nào về lãi suất và tỷ giá là vấn đề rất được quan tâm, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018 và dự kiến tăng 2 lần nữa trong năm 2019.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN - CNY yếu đi so với VND tác động đến tăng trưởng của Việt Nam. Thâm hụt cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng thêm so với năm 2017. Nếu năm 2017 thâm hụt 22.8 tỷ USD thì năm 2018 lên 23.9 tỷ USD, tuy nhiên đã giảm hơn rất nhiều so với năm 2016. Trong năm 2018, tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18.5%, cao hơn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng khoảng 12.3%. Điều này cho thấy mặc dù tỷ giá VND/CNY yếu đi nhưng năng lực xuất khẩu của Việt Nam vẫn mạnh. Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa, Việt Nam nhập từ Trung Quốc chủ yếu là hàng đầu vào của quá trình sản xuất, nhờ CNY yếu đi giúp giảm được chi phí làm hàng xuất khẩu, giúp cho Việt Nam thặng dư thương mại 7.2 tỷ USD từ Trung Quốc.
Lần đầu tiên ở Việt Nam, đóng góp từ xuất khẩu ròng dương, khi đó, tiết kiệm trong nền kinh tế vượt quá đầu tư. Nếu duy trì được xu hướng này, Việt Nam sẽ bắt đầu dư nguồn vốn.
Áp lực lên tỷ giá sẽ giảm, áp lực lên lãi suất nếu tăng cũng khá thấp.
|
Theo một khảo sát với các tổ chức tín dụng gần đây mà ông Tú Anh chia sẻ cho thấy, 11/28 tổ chức tín dụng nhận định lãi suất 2019 sẽ đi xuống, 17/18 tổ chức tín dụng nói lãi suất sẽ tăng nhưng mức tăng không đáng kể. "Đây là tín hiệu tích cực khi các ngân hàng lạc quan với lãi suất. Thực tế, lãi suất đang tăng trong những tháng cuối năm 2018 mang tính chất mùa vụ nhiều hơn là yếu tố thanh khoản” - ông nói.
Chính sách tiền tệ trong năm 2019 ảnh hưởng rất nhiều từ tình hình kinh tế vĩ mô. Vấn đề then chốt lãi suất 2019 là làm sao thúc đẩy được dòng tiền đầu tư công, hiện đang nằm trong hệ thống kho bạc NHNN rất lớn. Lượng tiền này trở lại lưu thông sẽ làm giảm áp lực lãi suất. Năm 2019, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 14%.
Nếu lãi suất trên thế giới đều tăng theo đà của Fed, thì không thể kỳ vọng lãi suất của Việt Nam không tăng.
Dòng vốn vào kinh tế Việt Nam trong năm 2019 sẽ tiếp tục ổn định và thậm chí tăng lên. Dòng vốn bên ngoài tăng lên sẽ củng cố được niềm tin của nhà đầu tư rằng dòng vốn đang tiếp tục ổn định, do đó sẽ bán ngoại tệ ngược lại cho ngân hàng, làm cho dự trữ ngoại hối tăng cao. Vì vậy, ông Tú Anh cho rằng áp lực tỷ giá năm 2019 sẽ có xu hướng giảm, áp lực về lãi suất nếu tăng lên cũng khá thấp, dự trữ ngoại hối có thể tăng, dòng tiền tiếp tục tăng.
Cát Lam