💎 Khám Phá Những Cổ Phiếu Bị Định Giá Thấp Tại Mọi Thị TrườngBắt đầu

Nỗi lo tai nạn đường sắt và nhu cầu về đường sắt cao tốc

Ngày đăng 01:10 29/05/2018
Nỗi lo tai nạn đường sắt và nhu cầu về đường sắt cao tốc

Vietstock - Nỗi lo tai nạn đường sắt và nhu cầu về đường sắt cao tốc

Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, một trong những thông tin thu hút nhiều sự quan tâm của cư dân mạng xã hội đó là các vụ tai nạn trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Hai vụ tai nạn xảy ra trong vòng một tuần khiến dư luận lo ngại về tính an toàn của đường sắt – một trong những loại hình vận chuyển trước giờ được xem là có tính an toàn cao; đồng thời, mong mỏi về những dự án nâng cấp, xây dựng mới hạ tầng đường sắt.

Hiện trường vụ tai nạn ngày 24-5 khiến 8 toa tàu bị lật nghiêng, trong đó có cả đầu máy, khiến 11 người bị thương và thiệt mạng. Ảnh: baogiaothong.vn

Nỗi lo lắng sau những vụ tai nạn đường sắt

Theo thông tin của ngành đường sắt, vào khoảng 16h30 ngày 26-5, trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, đoạn vào ga Yên Xuân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, tàu hỏa mang số hiệu 2486 do lái tàu Lê Văn Hanh (thuộc Xí nghiệp đầu máy Vinh) kéo 27 toa tàu, chở hơn 1.254 tấn hàng hóa, chạy theo hướng Nam-Bắc. Khi đoàn tàu đi vào đường số 3 thì bất ngờ toa xe thứ 3 và giá chuyển toa xe thứ 4 bị trật.

Sau khi nhận được thông tin, Công ty đường sắt Nghệ Tĩnh, nhà ga Yên Xuân đã huy động lực lượng, phương tiện tới khắc phục sự cố để sớm thông tuyến. Đến khoảng 20h30 cùng ngày, công tác khắc phục đã hoàn thành, tuyến đường sắt Bắc-Nam thông tuyến bình thường trở lại.

Trước đó, khoảng 00h30 ngày 24-5, tại khu vực ga Khoa Trường, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa,  đoàn tàu đi từ Hà Nội vào TPHCM, qua đường ngang có gác chắn, có người canh gác ở thôn Khoa Trường thì đâm vào thùng xe tải mang (biển số 37C-151.38) chở đá chạy ngang qua đường sắt.

Sau vụ tai nạn, chiếc xe ô tô bị hất văng xuống ruộng sâu bên đường tàu, đầu tàu SE19 bị đứt rời ra, lật xuống ruộng sâu, 6 toa tiếp theo là toa hành lý rồi đến toa phòng ăn, điện và 4 toa hành khách cũng bị đứt rời ra rơi xuống ruộng. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, trên đoàn tàu đang chở tổng cộng 477 hành khách. Vụ tai nạn đã làm 2 người gồm lái tàu chính và lái tàu phụ tử vong, 9 hành khách khác bị thương đang được cấp cứu tại các bệnh viện.

Ngay sau vụ tai nạn thương tâm hôm 24-5, ngành giao thông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tiếp tục công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn, thông suốt tuyến đường sắt Bắc-Nam, đồng thời điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải chính thức ban hành Thông tư 28/2018, có hiệu lực từ ngày 1-7, quy định về kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Thông tư quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức trong thực hiện các nội dung trên gồm: chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh; doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng. Trong đó, chính quyền địa phương phải chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng kiểm tra, xác định các vị trí cần phải kết nối tín hiệu và tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới, đề xuất với UBND cấp tỉnh thực hiện.

Đường sắt cao tốc theo những thăng trầm thời gian

Trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 (khai mạc ngày 21-5), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp. Trả lời kiến nghị của cử tri TPHCM về việc Chính phủ cần quan tâm đầu tư hệ thống giao thông đường sắt nhằm phục vụ việc đi lại của nhân dân cũng như vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần chú trọng mở thêm tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, Bộ GTVT đã nêu ra lộ trình các bước thực hiện.

Theo Bộ GTVT, cơ quan này đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt Việt Nam tại Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015 và Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80-90 km/h đối với tàu khách và 50-60 km/h đối với tàu hàng.

Đồng thời, để bảo đảm nguồn vốn nhằm từng bước thực hiện quy hoạch nêu trên, theo đề nghị của Bộ GTVT, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua chủ trương bố trí 15.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 cho các dự án đường sắt quan trọng và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách tại Nghị quyết số 52/2017/QH14.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu vận tải và tăng cường sự kết nối giữa các thành phố lớn trên trục Bắc-Nam (nhất là việc kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là thành phố Hà Nội và TPHCM) bằng hệ thống giao thông vận tải tốc độ cao, an toàn, Chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt cũng đã xác định và dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam với 3 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất: Từ nay đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa; trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn.

Giai đoạn 2: Từ năm 2020 đến năm 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/h), đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Giai đoạn 3: Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ.

"Căn cứ lộ trình nêu trên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ GTVT đang triển khai rà soát các nghiên cứu trước đây về dự án để cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; dự kiến, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019”, Bộ GTVT cho biết.

Trước đó, trao đổi với báo chí về dự án này, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, không có nước nào trong vòng vài năm đầu tư xong được hệ thống đường sắt cao tốc quốc gia, bởi nhanh nhất cũng vào khoảng 20 năm mới làm xong.

Quay trở lại thời điểm năm 2010, khi đó, Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Quốc hội ngay ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 5 khóa 12 (20-5-2010). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả kinh tế của một dự án được coi là sẽ “ngốn” một khoảng ngân sách siêu lớn. Tổng mức đầu tư của dự án vào thời điểm 2010 được xác định sơ bộ khoảng 55,85 tỉ đô la Mỹ (tỷ giá 19.100 đồng/đô la), trong đó, chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng là 30,89 tỉ đô la.

Hơn tám năm đã trôi qua, đường sắt cao tốc Bắc-Nam vẫn tiếp tục là một siêu dự án thu hút nhiều cuộc tranh luận với những ý kiến trái chiều. Thế nhưng, điều không thể phủ nhận là nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường sắt Bắc-Nam không ngừng tăng lên.

Vào năm 2010, các nhà nghiên cứu đã tính toán dựa trên số liệu dự báo của Dự án Nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải Việt Nam (Vitranss2) thì nhu cầu đến năm 2030, nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc-Nam sẽ là 534 ngàn hành khách/ngày, tương đương 195 triệu hành khách/năm (chỉ tính những chuyến đi liên tỉnh), tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 6,59%. Nếu không xây dựng đường sắt cao tốc thì nhu cầu vận tài hành khách trên hành lang Bắc-Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm, tương đương 156 ngàn hành khách/ngày.

Cũng vào thời điểm đó, các chuyên gia giao thông dựa theo kinh nghiệm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc của các nước và khả năng thực tế của Việt Nam, đã dự báo để đưa tuyến đường sắt cao tốc đi vào khai thác năm 2020, thì thời gian bắt đầu thiết kế và xây dựng dự án phải được tiến hành vào năm 2012. Và hiện tại, năm 2018, một lần nữa dự án này được đặt ra nghị trường, với sự kỳ vọng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.

NGỌC ÁNH

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.