Vietstock - Nhiều mặt hàng có nguy cơ bị 'vạ lây' áp thuế
Việc Mỹ công bố sẽ áp thuế hơn 450% với thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn của VN là hệ quả của việc gian lận xuất xứ.
|
Nhưng không chỉ thép, nhiều hàng hóa Việt đang đứng trước nguy cơ bị áp thuế vạ lây vì tình trạng này.
Sau thép là gỗ, nhôm, dệt may…
Đầu tháng 7 vừa qua, Mỹ công bố sẽ áp thuế hơn 450% với thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn của VN sau khi kết luận hai loại thép này sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. Đây là cú sốc lớn với ngành thép VN dù đã được cảnh báo từ lâu.
Nhưng không chỉ có hai sản phẩm trên, nhiều hàng hóa từ VN cũng đang được đưa vào tầm ngắm để điều tra chống lẩn tránh thuế bởi nguy cơ gia tăng nhập khẩu vào Mỹ song song với hàng từ Trung Quốc tràn vào VN. Trong đó, mặt hàng gỗ dán và gỗ ép được nhắc đến nhiều nhất. Từ tháng 1 - 5.2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của VN đạt 4,02 tỉ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu sang Mỹ với trị giá 1,84 tỉ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, VN nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc từ tháng 1 - 5.2019 trị giá 202,5 triệu USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính mới đây, Bộ Công thương cho biết mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và đến nay thuế suất thuế nhập khẩu đã nâng từ 10% lên 25%. Điều này đã và đang làm gia tăng nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của VN. Cục Hải quan và biên phòng Mỹ đã có nghi vấn và tiến hành điều tra các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm gỗ dán cứng từ Trung Quốc. Trong đó, phía Mỹ cho rằng đã có dấu hiệu cho thấy tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế của các công ty Trung Quốc và dùng VN làm nơi trung chuyển để né thuế xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ...
Ngành thép VN đang gặp khó Ảnh: Gia Hân
|
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HM:HCM), nhận định không loại trừ khả năng nhiều sản phẩm gỗ cũng như các hàng hóa khác của VN sẽ bị Mỹ tăng thuế tương tự. Đặc biệt là sản phẩm gỗ ép, gỗ dán khi chuyển tải sang VN thì chi phí không cao như những sản phẩm khác. Nếu bị áp thuế cao hơn 450% như đối với thép, thì chắc chắn các doanh nghiệp (DN) sẽ không thể chịu nổi và cả ngành sản xuất cũng bị thiệt hại nặng nề.
“Vạ lây” từ Trung Quốc đến Hàn Quốc, Ấn Độ
Không chỉ Mỹ tăng cường điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có chống lẩn tránh thuế. Nhiều nước cũng đã sử dụng biện pháp tương tự và các sản phẩm VN cũng đã bị liên lụy. Chẳng hạn giữa năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm xe nâng giá kê bằng tay nhập khẩu từ VN. EC đưa ra cáo buộc kể từ năm 2005, sau khi áp thuế CBPG đối với sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc, sản phẩm từ nước này được nhập khẩu vào VN để lắp ráp thêm rồi xuất khẩu sang EU khiến lượng nhập khẩu từ VN tăng mạnh. Tuy nhiên sau khi điều tra, EC ra quyết định chấm dứt điều tra do không có hiện tượng lẩn tránh thuế.
Hay đầu năm nay, số liệu thống kê của EU công bố xuất khẩu xe đạp điện từ VN sang thị trường này tăng mạnh sau khi điều tra đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Lượng xuất khẩu xe đạp điện của VN sang EU trong 11 tháng đầu năm 2018 là 138.467 chiếc, đạt kim ngạch 66,9 triệu euro, tăng 47,4% về lượng và tăng 22,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm tỷ trọng 12,4% tổng lượng nhập khẩu xe đạp điện vào EU. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ EC điều tra lẩn tránh thuế đối với một số DN xuất khẩu của VN.
Không chỉ bị kiện khi hàng Trung Quốc né thuế bằng cách lẩn tránh vào xuất xứ VN, nguy cơ bị vạ lây còn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Chẳng hạn vụ áp thuế hơn 450% đối với thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn của VN từ Mỹ, thì xuất phát sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.
Theo báo cáo về xu hướng quy định nhập khẩu theo tháng của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố giữa năm 2018, tính đến thời điểm trên, các nước đã áp đặt tổng cộng 196 biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với Hàn Quốc, nhiều nhất là Mỹ với 40 biện pháp. Trong đó Mỹ chủ yếu tập trung vào mặt hàng thép và kim loại với 28 biện pháp, tiếp đó là các sản phẩm điện và điện tử. Thực tế, nhiều sản phẩm từ Hàn Quốc nhập vào VN chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc, như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo, sắt thép các loại, điện thoại các loại và linh kiện... Vì vậy, khi sản phẩm Hàn Quốc bị Mỹ và các nước hạn chế nhập khẩu, thì khả năng đưa hàng sang VN để thay xuất xứ là rất lớn.
Hay trường hợp Công ty thủy sản Minh Phú bị cáo buộc mua tôm Ấn Độ và chế biến qua tại VN trước khi xuất sang Mỹ nhằm trốn thuế CBPG đang áp cho tôm nhập khẩu từ Ấn Độ. Số liệu trong đơn kiện từ phía Mỹ cho biết ngay sau khi Minh Phú được xóa khỏi danh sách bị áp thuế CBPG với tôm, công ty này tăng đáng kể lượng xuất khẩu sang Mỹ và trở thành một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Cùng thời điểm đó, số liệu trong đơn kiện cho biết các nhà sản xuất tôm của Ấn Độ cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang VN...
Nguy cơ “lây lan”
Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh, thuộc Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định việc một quốc gia tiến hành điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu VN, có thể “lây lan” sang quốc gia khác cũng sẽ tiến hành điều tra với sản phẩm tương tự nhập từ VN. Trong khi đó, thông tin về hàng hóa của VN xuất đi khá sơ sài, thông tin cho DN hiểu biết về những rào cản thương mại lại hạn chế khiến khả năng tổng hợp, phân tích và nắm bắt tình hình trước cảnh báo hoặc khi đã bị áp thuế phòng vệ của DN Việt hầu như không có.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Vũ Quốc Chinh, để lọt hàng gian lận xuất xứ từ các nước vào VN khó kiểm soát đã đẩy DN Việt đối diện nguy cơ ngày càng bị kiện CBPG, lẩn tránh thuế nhiều hơn. Với thị trường EU trước mắt sau khi EVFTA có hiệu lực, các nhóm hàng xuất khẩu sắt thép, thủy sản, công nghiệp đơn giản... tiếp tục đối diện nguy cơ này.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết tình trạng lẩn tránh thuế, gian lận thương mại đã được các DN trong ngành cũng như hiệp hội cảnh báo từ nhiều năm trước.
“Các DN chỉ có thể là tai mắt, khi phát hiện thì báo cáo và Chính phủ, bộ ngành phải vào cuộc điều tra để tìm ra bằng chứng. Khi có kết quả cần công bố công khai cho cả cộng đồng và đối tác nước ngoài biết. Vì không quốc gia nào chấp nhận tình trạng gian lận thương mại như vậy. VN cần phải lấy việc Mỹ áp thuế cao với sản phẩm thép để làm động lực mạnh tay ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ của VN để lẩn tránh thuế xuất đi các nước”, ông Huỳnh Văn Hạnh nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho rằng VN phải hết sức “nghiêm khắc” với hàng tạm nhập tái xuất. Với các hiệp định thương mại mà VN đã tham gia như CPTPP hay EVFTA mà không có Trung Quốc, tình trạng chuyển tải hàng hóa sang VN để tận dụng cơ hội giảm thuế đưa vào thị trường Mỹ và EU càng gia tăng. “Khi số liệu xuất khẩu từ VN sang Mỹ nhiều nhóm hàng gia tăng, Mỹ sẽ nhìn thấy “đâu đó” hành vi lẩn tránh thương mại. VN phải hết sức cẩn trọng với điều này”, ông Thành nói.
Chúng ta hội nhập sâu, tham gia rất nhiều hiệp định tự do (FTA) nên DN nội có nhiều lợi thế về thâm nhập thị trường, hưởng thuế quan ưu đãi. Nhưng điều này cũng khiến nhiều đối thủ không tham gia FTA sẽ tìm cách tận dụng chúng ta để hưởng ưu đãi. Trong khi đó, các đối tác nhập khẩu sẽ soi chúng ta khắt khe hơn. Nếu không quan tâm thỏa đáng vấn đề chống lẩn tránh, gian lận thương mại thì ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hội nhập kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Chí Hiếu (ghi)
|
Nguyên Nga