Vietstock - Nhiều dự án ngành giao thông bị chậm tiến độ giải ngân
Báo cáo về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công chiều 11/10, Vụ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Năm 2018, Bộ này được giao kế hoạch giải ngân với tổng số 26.332 tỷ đồng, bao gồm: 14.147 tỷ đồng vốn nước ngoài; 5.858 tỷ đồng vốn trong nước; 2.695 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ; 2.718 tỷ đồng kế hoạch năm 2017 kéo dài sang năm 2018; 914 tỷ đồng kế hoạch 2016 vốn trái phiếu Chính phủ kéo dài sang năm 2018.
Nhiều dự án ngành giao thông bị chậm tiến độ giải ngân - Ảnh minh hoạ.
|
Kết quả giải ngân đến nay đạt 13.739 tỷ đồng, bằng 52,2% tổng kế hoạch giải ngân. Số vốn chưa giải ngân tập trung tại hai nhóm ODA và trái phiếu Chính phủ, chủ yếu là các dự án sử dụng vốn dư.
Nguyên nhân chủ yếu do giải phóng mặt bằng chậm; điều kiện thời tiết mưa rất nhiều và liên tục tại các khu vực triển khai dự án; điều chỉnh thiết kế quá nhiều như tại dự án ODA do nước ngoài thực hiện dẫn đến chậm thi công; thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của một số đơn vị… dẫn tới nhiều dự án đang bị chậm tiến độ giải ngân.
Đánh giá tình hình giải ngân chậm so với các năm trước trong khi vốn bố trí cho ngành giao thông vận tải không nhiều, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, do sự chỉ đạo vẫn kém hiệu quả, thiếu chủ động, không quyết liệt, không làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Ban Quản lý dự án cũng như cá nhân có liên quan.
"Tình hình này không thể kéo dài, đặc biệt đối với năm 2019 bắt đầu thực hiện những công trình trọng điểm quốc gia. Giám đốc Ban Quản lý dự án, thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm chính nếu không hoàn thành việc giải ngân", Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải có trách nhiệm, đặc biệt quan tâm đến chất lượng các dự án xây dựng hạ tầng giao thông.
Với kế hoạch năm 2019, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khẩn trương rà soát, đánh giá lại khả năng phù hợp, có giải pháp tích cực để khi được bố trí vốn, đảm bảo hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao.
Trước đó, vào tháng 5, tại buổi làm việc với 3 Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra Bộ Giao thông Vận tải còn 43 dự án sử dụng vốn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (trong đó có 22 dự án triển khai thuộc giai đoạn 1 theo Nghị quyết số 99 của Quốc hội ban hành từ tháng 11/2015) tới nay mới giao được 55% tổng số vốn kế hoạch. 3 năm qua các dự án này chưa nhúc nhích được gì.
Phó thủ tướng cho rằng Bộ Giao thông Vận tải phải có trách nhiệm, kiểm điểm từng lãnh đạo Bộ, Ban quản lý dự án, trách nhiệm của các vụ, địa phương khi để gần 1 năm Quốc hội phê duyệt danh mục dự án sử dụng vốn dư mà mới giao được vốn cho 22 dự án.
Kiều Linh