Vietstock - Nhiều doanh nghiệp đã 'tay không bắt giặc' lại lười đầu tư
Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp "tay không bắt giặc", không sẵn sàng trả tiền và lười đầu tư vào phát triển sản phẩm mới, nhưng lại muốn có nhiều khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được tập trung hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu - Ảnh: TTO
|
Ý kiến này được ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, đưa ra tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 12-4 tại Hà Nội.
Theo ông Ngọc, mức độ cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt, "nhưng không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng chuyên nghiệp".
Nhưng việc các doanh nghiệp tay không bắt giặc như thế dẫn tới hệ lụy giá bán sản phẩm của Việt Nam thường đắt và thiếu tính chuyên nghiệp, chưa sẵn sàng hội nhập trong khi hàng Trung Quốc có giá rẻ, sản xuất cung ứng chuyên nghiệp hơn.
Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty sản xuất chè hữu cơ, cho biết từ năm 2003 đã sản xuất sản phẩm chè hữu cơ xuất sang EU với niềm tin sản phẩm tốt sẽ được thị trường đón nhận.
Thế nhưng, sự nỗ lực này là không đủ cho doanh nghiệp, bởi khi tìm hiểu thị trường ông Đức thấy các nhà nhập khẩu EU có "ấn tượng xấu" vì cứ nhắc đến chè Việt Nam, họ nghĩ ngay đến sản phẩm chứa nhiều thuốc và không đạt chuẩn.
Bởi vậy suốt chục năm liền dù sản xuất sản phẩm hữu cơ, nhưng vẫn cứ "ì ạch mãi" với hiệu quả thấp.
"Chúng tôi kiên trì gửi mẫu, năm đầu không đạt, lại gửi tiếp và phải mất nhiều thời gian, nỗ lực tiếp cận và hiểu thị trường thì khách hàng mới nhận. Đó là kết quả của việc xúc tiến thương mại, tìm hiểu khách hàng, nhu cầu thị trường uống chè thế nào thì đến nay từ vài sản phẩm xuất khẩu đã có hơn 30 sản phẩm" - ông Đức nói và cho rằng quan trọng nhất là cần tập trung vào dịch vụ khách hàng và phát triển sản phẩm.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho rằng các chính sách tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ xúc tiến hiệu quả, giảm tải sức ép và chi phí theo đó cần nhắm vào hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
N.An