Vietstock - Nhập giấy phế liệu: Ván bài ‘bất phân thắng bại’ giữa phát triển và quản lý ?
Tại Hội thảo “Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam" ngành giấy được đánh giá giàu tiềm năng, nhưng chưa phát triển xứng tầm do loay hoay tìm giải pháp quản lý nhằm thỏa mãn các chính sách môi trường.
Việc siết chặt quản lý phế liệu nhập khẩu ở thời điểm này là cần thiết, nhất là khi những kẽ hở pháp lý đã được phát hiện
|
Cung không đủ cầu, doanh nghiệp vẫn gian nan…
Nhu cầu giấy phế liệu trong tương lai được dự báo có tiềm năng phát triển mạnh. Điều này bắt nguồn từ nhu cầu thị trường cần lượng lớn giấy bao bì mà giấy bao bì được tái chế 100% từ giấy phế liệu. “Dự kiến đến 2020, nhu cầu thị trường giấy phế liệu sẽ chạm ngưỡng 5, 6 triệu tấn”, một con số đáng chú ý được ông Phạm Đình Thưởng, Chuyên gia Phân tích Chính sách chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu về giấy bao bì vào năm 2025, nhu cầu về nguyên liệu sẽ là 13 triệu tấn, lượng giấy thu gom trong nước sẽ đạt 4,3 triệu tấn, còn lại là lượng nhập khẩu giấy tái chế
|
Mặc dù thị trường rất tiềm năng, nhưng ngành giấy hiện đang không phát triển như kỳ vọng. Một mặt, sức sản xuất nội tại của doanh nghiệp đang chưa đáp ứng được nguồn cung. Cả nước hiện có khoảng 300 xí nghiệp giấy, sản xuất khoảng 3,5 triệu tấn vào năm 2017, nhập 1,2 triệu tấn, tổng là 4,7 triệu tấn, nhưng trong 3,5 triệu tấn có 3 đến 4 doanh nghiệp FDI đã sản xuất 48%, còn lại gần 300 doanh nghiệp mới sản xuất được 52%. Mặt khác, gần đây các quy định nhập khẩu phế liệu ngày càng siết chặt, khiến doanh nghiệp sản xuất giấy phải “điêu đứng” trong nhập khẩu và phát triển kinh doanh.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp chia sẻ chế tài của Chính phủ ảnh hưởng doanh nghiệp toàn ngành bất kể quy mô và tiềm lực tài chính. Ông Patrick Chung, Tổng giám đốc của Lee&Man, một trong những doanh nghiệp FDI lớn cho biết, mặc dù giấy nhập khẩu trên thị trường đang rẻ hơn, nhưng doanh nghiệp không mua được. Bởi khi mua, các nguyên liệu thô sẽ bị tắc ở cảng và biển, doanh nghiệp phải trả phí phạt rất lớn. Nguồn cung nguyên liệu không ổn định, dẫn đến doanh nghiệp khó đảm bảo đầu ra bền vững, kéo theo người lao động mất việc làm và bản thân doanh nghiệp bị mất thị phần.
Siết chặt nhập giấy phế liệu: giải pháp cần nhưng chưa đủ
Nhập giấy phế liệu mang đến nhiều lợi ích (hạn chế khai thác rừng, giảm thải hóa chất để sản xuất ra bột), nhưng nguy cơ tiềm ẩn là nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, lo ngại ảnh hưởng môi trường trong quá trình tái chế giấy phế liệu từ các cơ quan quản lý là có cơ sở.
Siết nhập khẩu giấy phế liệu là động thái tích cực để bảo vệ môi trường
|
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, dù nguyên liệu là giấy tái chế hỗn hợp hay bột gỗ nguyên sinh thì cũng cần qua xử lý. Chất thải, nước thải, khí thải ra môi trường là tất yếu. Hiệu quả trước mắt về siết nhập khẩu cần thiết, nhưng không vì thế mà “bỏ lơ” thiệt hại của doanh nghiệp. Đặc biệt là khi chính sách siết chặt này đang gián tiếp đóng băng một thị phần giấy phế liệu tiềm năng.
Đâu mới là giải pháp căn cơ, vẹn toàn giữa phát triển và quản lý?
Trên thực tế, ván bài “bất phân thắng bại” giữa phát triển và quản lý không hề đi vào ngõ cụt. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã cân đối thành công giữa việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế dựa vào nhập khẩu phế liệu.
Chẳng hạn, Mỹ chọn giải pháp thắt chặt chế tài với hóa chất, quy định rõ hóa chất nào cấm, tạp chất nào thì cho phép tỷ lệ nào. Cụ thể, trong nhập khẩu phế liệu giấy hỗn hợp (Mixed Paper - MP) như sau: Tạp chất bị cấm (Prohibitive Materials) không được quá 2%; Tạp chất khác (Outthrows): không được quá 3%. Tại khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan và Indonesia cho phép nhập khẩu các loại phế liệu giấy và không có quy định kiểm định lô hàng nhập khẩu phế liệu giấy tại cảng. Thay vào đó, Chính phủ kiểm định ngay tại nhà máy sản xuất về các hoạt động đảm bảo an toàn môi trường, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn…
Bên cạnh tham khảo tiêu chí bảo vệ môi trường của các quốc gia khác, tại hội thảo, về mặt pháp chế, ông Thưởng cho biết, cần cân nhắc sửa đổi hạng mục hạn chế đối tượng nhập khẩu trong Nghị định 38. Cụ thể cần đánh giá mục đích thương nhân nhập khẩu ủy thác, nếu chủ yếu nhằm vào sản xuất giấy thì không nên hạn chế mà ngược lại phải tạo thuận lợi cho thương mại phát triển.
Trước khi kết thúc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi muốn lưu ý với cơ quan nhà nước có liên quan rằng, thay đổi chính sách nào liên quan đến ngành giấy cũng phải cân nhắc kỹ, phải thảo luận thấu đáo vì sẽ ảnh hưởng rất lớn. Và xa hơn nữa, là ảnh hưởng đến tính ổn định, tin cậy của môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.
Tường Vi