Vietstock - Một số kết quả ban đầu về thực hiện Basel 3
Ngày 29/01/2018, Hội nghị Basel 3 đã được tổ chức tại Đại học Tổng hợp Goethe, Frankfurt am Main, CHLB Đức với mục tiêu là đánh giá kết quả cải cách Basel 3.
Khung khổ Basel 3 được hình thành vào năm 2010 nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong giai đoạn cải cách ban đầu, Basel 3 tập trung vào việc khắc phục những hạn chế của những quy định Basel trước đó, bao gồm:
- Cải thiện chất lượng và vốn pháp định, chủ yếu là nâng cao khả năng hấp thụ lỗ của vốn cổ phần cấp 1 (CET1);
- Nâng cao yêu cầu về vốn để ngân hàng có thể chịu đựng được những thiệt hại trong thời kỳ khó khăn;
- Nâng cao khả năng nắm bắt rủi ro bằng cách rà soát lại những lĩnh vực về khung khổ vốn rủi ro gia quyền, bao gồm tiêu chuẩn toàn cầu về rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng của đối tác và chứng khoán hóa;
- Bổ sung các yếu tố vĩ mô thận trọng vào khung điều chỉnh bằng cách: (i) giới thiệu nguồn vốn đệm (được hình thành trong thời kỳ thuận lợi và sử dụng trong thời kỳ khó khăn) nhằm hạn chế tác động mang tính chu kỳ; (ii) thiết lập cơ chế phát hiện rủi ro nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống phát sinh từ những mối liên kết giữa các định chế tài chính và những rủi ro tập trung; và (iii) bố trí nguồn vốn đệm để đối phó với những biến động bên ngoài do các ngân hàng chiến lược gây ra;
- Chỉ rõ yêu cầu về tỷ trọng đòn bẩy tối thiểu nhằm hạn chế đòn bẩy quá mức trong hệ thống ngân hàng, và bổ sung các yêu cầu về vốn rủi ro gia quyền;
- Giới thiệu khung khổ quốc tế để giảm thiểu rủi ro thanh khoản quá mức và sự biến đổi kỳ hạn thông qua tỷ trọng thanh khoản và tỷ trọng vốn ổn định ròng.
Thực tế cho thấy, chương trình cải cách Basel đã góp phần củng cố hệ thống ngân hàng toàn cầu. Từ năm 2011, tỷ trọng đòn bẩy vốn cấp 1 tại nhóm ngân hàng chiến lược toàn cầu tăng trên 65% (từ 3,5% lên 5,8%), trong khi tỷ trọng rủi ro gia quyền CET1 tăng trên 70% (từ 7,2% lên 12,3%). Sự thay đổi lớn này phản ánh nỗ lực tăng vốn CET1 (từ 2,1 nghìn tỷ Euro lên 3,7 nghìn tỷ Euro), vốn đối ứng bổ sung vào tài sản có tínhthanh khoản cao tăng thêm 30% (từ 9,2 nghìn tỷ Euro lên 11,6 nghìn tỷ Euro).
Cải cách 2017 tiếp tục khắc phục những yếu kém của hệ thống ngân hàng, nhất là xung quanh thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Bên cạnh tác động về kinh tế và tài chính, cải cách Basel 3 cũng gây tác động tích cực đối với xã hội. Trong đó, việc tăng vốn và thanh khoản ngân hàng sẽ góp phần giảm thiểu khả năng và tác động của khủng hoảng ngân hàng trong tương lai.
Tuy nhiên, khung khổ điều chỉnh vẫn còn một số hạn chế, chủ yếu về phương pháp tính toán tài sản rủi ro gia quyền (RWAs). Vào thời khắc khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hàng loạt cổ đông đã mất niềm tin vào mô hình nội bộ của ngân hàng về tỷ trọng vốn rủi ro gia quyền. Tính phức tạp và thiếu rõ ràng của các mô hình nội bộ, mức độ tùy tiện của ngân hàng trong việc hình thành các tham số rủi ro và các quyết định quốc gia đã dẫn đến sự khác biệt quá mức về RWA. Tình trạng mất niềm tin của công chúng vào các tỷ trọng vốn trong báo cáo của ngân hàng nhấn mạnh sự cần thiết là, phải thắt chặt quy định về cách tính toán RWA theo hướng ngày càng minh bạch hơn.
Cải cách cuối cùng vừa hoàn tất gần đây về Basel 3 đã nâng cao độ tin cậy của phương pháp tính toán RWA, góp phần củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Cụ thể là, đã nâng cao tính bền vững và nhạy bén của các ngân hàng trong việc đối phó với rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động, có thể đối chiếu dễ dàng các tỷ trọng vốn giữa các ngân hàng; hạn chế việc sử dụng cách tiếp cận theo mô hình nội bộ, kể cả việc loại bỏ sử dụng các cách tiếp cận mô hình tiên tiến nhất về một số cách phân loại tài sản rủi ro tín dụng và về phương pháp tính toán rủi ro hoạt động; bổ sung tỷ trọng vốn rủi ro gia quyền vào tỷ trọng đòn bẩy cuối cùng và rà soát, nâng cao hiệu quả giao dịch ngân hàng.
Nói tóm lại, nhóm các biện pháp cải cách Basel 3 đã khắc phục được hàng loạt thiếu sót trong khung khổ điều chỉnh trước khủng hoảng và trở thành nền tảng để xây dựng hệ thống ngân hàng bền vững, có thể đẩy lùi hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng ngân hàng trong tương lai cũng như những thương tổn phát sinh mang tính hệ thống. Khung khổ Basel sau khủng hoảng cũng sẽ có tác dụng nâng cao vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế thực và tăng trưởng kinh tế. Đối với Ủy ban Basel, việc hoàn tất Basl 3 vào tháng 12/2017 sẽ góp phần nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng.
Ủy ban Basel nhấn mạnh, các tiêu chuẩn basel là quy định tối thiểu. Trên cơ sở quy định này, các cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia sẽ nghiên cứu, đề ra lộ trình thực hiện tùy thuộc vào tình hình cụ thể của hệ thống ngân hàng trong nước cũng như diễn biến trên thị trường tài chính, đảm bảo và tăng dần tính bền vững của hệ thống ngân hàng.