Vietstock - Mở thêm đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất
Giải quyết ùn tắc giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất khi sân bay này tiến hành mở rộng được xem là hết sức cấp bách và cần các phương án khả thi
Lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) năm 2017 vào khoảng 36 triệu lượt và dự báo năm 2018 sẽ lên tới 40 triệu. Khi nhà ga T3 được xây dựng, công suất khai thác sẽ tăng thêm 20 triệu lượt hành khách nên các giải pháp để giải quyết ùn tắc giao thông xung quanh sân bay được xem là hết sức cấp bách.
Các dự án đã sẵn sàng
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế TSN giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt, tổng diện tích đất được quy hoạch là 791 ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý), trong đó phần diện tích sân bay hiện hữu là 545,1 ha. Để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, ngoài cải tạo, mở rộng 2 nhà ga hiện hữu T1 và T2, đáp ứng được 30 triệu lượt hành khách/năm thì sẽ xây thêm nhà ga mới T3, công suất 20 triệu hành khách/năm.
Đường Cộng Hòa - một trong những tuyến thuộc khu vực phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải
|
Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - Sở GTVT TP HCM, trước khi có quy hoạch chi tiết mở rộng sân bay, TP HCM đã phê duyệt nhiều dự án xung quanh sân bay nhằm tăng khả năng kết nối cũng như giảm áp lực giao thông khi sân bay được mở rộng. Cụ thể, khu vực phía Nam sân bay với các trục đường chính như Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, Trường Chinh, hiện đã có dự án cải tạo và mở rộng. Trong đó, đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) sẽ mở rộng 22 m, với tổng mức đầu tư 254 tỉ đồng, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Còn đối với dự án cải tạo đường Cộng Hòa, bên phải tuyến sẽ được mở rộng, bắt đầu từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long. Chiều dài của đoạn cải tạo là 134 m, với mặt đường được mở rộng từ 14 - 19 m, vốn đầu tư gần 142 tỉ đồng. Những dự án trên hiện đã có nhà thầu và đang chờ bàn giao mặt bằng từ phía UBND quận Tân Bình.
Cũng theo ông Ninh, ngoài những dự án nêu trên, nhiều phương án khác phía đơn vị tư vấn cũng đang nghiên cứu nhằm giảm áp lực giao thông xung quanh sân bay TSN khi nhà ga T3 được xây dựng. Trong đó, một phương án được xem là cần thiết và đang nghiên cứu là xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Với phương án này, UBND TP HCM đã cơ bản thống nhất về quy mô, hướng tuyến và trước đó đã có công văn báo cáo Bộ Quốc phòng cùng Bộ GTVT xem xét, phê duyệt do có ảnh hưởng đến đất quốc phòng. Theo ông Ninh, với phương án này, trước đây tính toán sẽ mở 4 làn xe nhưng trên cơ sở quy hoạch chi tiết nêu trên, phía đơn vị tư vấn đang nghiên cứu tăng lên.
Hàng loạt khuyến cáo từ chuyên gia
TS Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế - đô thị, nhấn mạnh trục đường mới kết nối với nhà ga T3 nếu xây dựng, ngoài việc phải đáp ứng được việc phục vụ cho nhà ga này, còn phải phục vụ giao thông đô thị xung quanh, đó là giúp chia tải cho đường Cộng Hòa. Vì vậy, quy mô của tuyến đường này tối thiểu cần 6 làn mới có thể đáp ứng. Hơn nữa, ông Nam cũng cho rằng tuyến đường mới cần được quy hoạch, thiết kế có tầm nhìn kết nối với các tuyến metro trong tương lai.
Ngoài ra, các chuyên gia giao thông cũng khuyến cáo để giảm áp lực giao thông khi sân bay TSN được mở rộng, trước mắt phải giải quyết tình trạng ùn tắc ở khu vực xung quanh 2 nhà ga hiện hữu là T1 và T2. Giải pháp trước mắt là có thể xây dựng đường trên cao để tách các dòng lưu thông tại ga đi và ga đến. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng đường hầm nối từ ga quốc tế và ga quốc nội ra đường Hồng Hà bởi phương án này sẽ giải quyết xung đột giữa các hướng đi tại đoạn qua cổng sân bay. Còn đối với nhà ga T3, khi được xây dựng, xung quanh sân bay phải hình thành các tuyến đường vành đai và đường xương cá nối với những tuyến vành đai này.
Đặc biệt, việc nghiên cứu bổ sung cầu vượt đoạn qua Công viên Hoàng Văn Thụ, nối giữa đường Phan Thúc Duyện qua Trần Quốc Hoàn, Thăng Long để kết nối giao thông từ khu vực trung tâm TP tới nhà ga T3, được xem là hết sức cần thiết. Lý do là khu vực qua công viên Hoàng Văn Thụ được xem là đầu mối của các tuyến đường Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện, Phan Đình Giót, Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Văn Trỗi. Lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường này cũng rất lớn nên thường xuyên xảy ra kẹt xe, đặc biệt là đoạn qua vòng xoay Lăng Cha Cả. Do đó, cầu vượt khi được xây dựng sẽ hạn chế xung đột giao thông tại đây. Tuy nhiên, cầu vượt khi xây dựng phải bảo đảm đồng bộ và không làm ảnh hưởng đến các dự án khác đã được quy hoạch trước đó.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, nhấn mạnh với công suất đang khai thác của sân bay TSN hiện nay, các trục đường chính ở khu vực phía Nam như Trường Sơn, Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám đã chịu sự quá tải nên nguy cơ sẽ càng trầm trọng khi nhà ga T3 được xây dựng.
Vì vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông khẳng định khi quy hoạch chi tiết mở rộng sân bay đã được duyệt thì chuyện cấp bách của TP là phải thúc đẩy nhanh các dự án giao thông để giải tỏa ùn tắc.
Triển khai thêm nhiều dự án... vòng ngoài Theo Sở GTVT TP HCM, để góp phần cải thiện tình hình giao thông cho khu vực phía Nam sân bay TSN, đơn vị này còn triển khai thêm nhiều dự án... vòng ngoài! Trong đó, đáng chú ý nhất là 2 dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý (nằm trên địa bàn 2 quận Tân Bình, Tân Phú). Trong đó, dự án mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ, dài 970,84 m, rộng 60 m) có tổng mức đầu tư xây lắp là 278 tỉ đồng nhưng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng lên tới hơn 1.000 tỉ đồng. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa), tổng mức đầu tư 657 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 561 tỉ đồng. |
Bài và ảnh: GIA MINH