Vietstock - Lối thoát nào cho bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam?
Bẫy thu nhập trung bình được ví như cái hố, nếu không mạnh dạn để nhảy qua, một quốc gia sẽ mãi dậm chân phát triển ở mức "bình bình".
Đó là hình ảnh mà ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, sử dụng để nói về thách thức lớn mà Việt Nam đang đối mặt: Làm thế nào để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17, ông Duy dẫn lại số liệu từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), cho biết chỉ có 34 quốc gia thành công thoát bẫy thu nhập trung bình từ năm 1990 đến nay, trong khi Việt Nam lại là một trong 108 quốc gia có nguy cơ bị kẹt lại.
Báo cáo này cũng đề xuất chiến lược 3 giai đoạn để các quốc gia cải thiện vị thế về thu nhập. Đầu tiên là cần thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2 vẫn phải tiếp tục đầu tư, song song hấp thụ công nghệ mới. Và cuối cùng, khi đến giai đoạn thu nhập trung bình cao, các nước này cần tập trung vào cả đầu tư, hấp thụ công nghệ mới và đổi mới.
Một ví dụ điển hình của sự thành công này là Hàn Quốc, nước đã chuyển mình từ một quốc gia thu nhập thấp lên thu nhập cao trong vòng chưa đầy 30 năm. Trái ngược với đó là Brazil. Trong khi Hàn Quốc tập trung vào cập nhật, đổi mới công nghệ thì quốc gia Nam Mỹ gặp thất bại do bỏ qua giai đoạn chuyển tiếp quan trọng thứ hai.
“Chúng ta cũng có nguy cơ mắc kẹt tương tự nếu bỏ qua giai đoạn này”, ông Duy hàm ý về bài học của Brazil và cho biết nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở việc mua sắm máy móc, thiết bị, mà chưa thực sự tập trung vào việc hấp thụ và cải tiến công nghệ hay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khiến chưa thể tạo ra động lực đủ mạnh để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Ông Bùi Thế Duy phát biểu tại diễn đàn. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
|
Ông cũng đề cập đến khái niệm “thung lũng chết” – một khoảng trống thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi đổi mới công nghệ. Đầu tư vào dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực nhân sự và cải tiến quy trình công nghệ thường không mang lại lợi nhuận ngay lập tức, ngược lại có thể dẫn đến thua lỗ.
“Nó như là một cái hố và nếu chúng ta không mạnh dạn nhảy qua thì vẫn cứ phát triển bình bình, nếu nhảy qua được thì chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Đó là cái khó của doanh nghiệp”, ông ví von và thêm rằng, việc vượt qua “thung lũng chết” không thể chỉ dựa vào doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi sự đồng hành của chính phủ. “Nhiều quốc gia đã thất bại, trong đó chính phủ lẫn doanh nghiệp đều không cùng nhau để vượt qua được cái hố này”.
Thứ trưởng cũng chia sẻ về thách thức trong câu chuyện tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015–2019. Khi đó, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 5.6%, với 3.06% đến từ vốn đầu tư và 3.29% nhờ đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, cải thiện hiệu suất tăng trưởng âm đã kéo giảm con số tổng thể. Ông nhấn mạnh việc tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư sẽ không thể kéo dài mãi mà “phải bằng cả cập nhật công nghệ”.
Để tạo bước đột phá, mục tiêu của Nghị quyết 57 sắp tới là tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế lên trên 55%, so với mức 40% trong giai đoạn 2015–2019. Đây sẽ là một cuộc cách mạng mà Bộ Chính trị kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy Chính phủ, doanh nghiệp và người dân để cùng vượt qua “cái hố” khó khăn này.
Ông Duy nêu một số giải pháp mà Chính phủ cần triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, đó là dỡ bỏ rào cản hành chính, bao gồm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra cần có các ưu đãi và hỗ trợ như cải thiện các chính sách liên quan đến thuế, đất đai... và cuối cùng là cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi.
“Chính phủ cũng cần thiết lập môi trường công bằng để doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đơn vị có công nghệ và tiêu chuẩn cao hơn, từ đó tạo ra sức ép để các doanh nghiệp này nhảy qua cái hố khó khăn đó", đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chốt lại, "nếu không nhảy thì sẽ chết”.
Tử Kính