Vietstock - Lãnh đạo TPHCM chia sẻ khó khăn khi thực hiện phân cấp, phân quyền trên địa bàn
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải đã chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền trên địa bàn TPHCM tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ, sáng 21/12.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải phát biểu tham luận tại Hội nghị
|
Đánh giá bước đầu trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, ông Dương Ngọc Hải cho biết, UBND TPHCM đã quán triệt tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền ở tất cả các cấp; tạo sự đồng bộ, thống nhất về mặt nhận thức chủ trương của toàn hệ thống. Qua đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới khi thực hiện nhiệm vụ được giao đã thực sự chủ động phát huy vai trò, tích cực rà soát các quy định liên quan, bám sát thực tiễn để kịp thời tham mưu.
Đồng thời, giúp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho các ngành, các cấp, chính quyền địa phương; giảm bớt các thủ tục hành chính phát sinh trong quá trình phối hợp; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội. Bên cạnh đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của TPHCM.
Theo ông Hải, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn như: Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền vẫn phải trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành. Trong khi đó, căn cứ các quy định hiện hành thì đa phần thẩm quyền giải quyết các thủ tục tập trung nhiều ở UBND cấp tỉnh, trình tự thực hiện cần phải qua nhiều khâu trung gian.
Dù đã phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng do chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị có sự liên quan lẫn nhau nên khi thực hiện phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị, dẫn tới thời gian giải quyết vẫn còn chậm, một số trường hợp chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Đồng thời, khối lượng thủ tục hành chính cần giải quyết tại TPHCM rất lớn. Với đặc thù dân số trên 10 triệu người, quy mô hơn 300,000 doanh nghiệp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức tuy có cao so với các tỉnh, TP, nhưng nếu phân tích khối lượng hồ sơ xử lý trung bình trên từng nhân sự, sẽ thấy được áp lực và bất cập giữa đội ngũ và yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, một số nội dung đã được phân cấp nhưng phải xin ý kiến của Bộ, ngành quản lý. "Điều này dẫn đến việc triển khai không triệt để; đôi khi thời gian chờ ý kiến đồng ý của cấp trên kéo dài, làm ảnh hưởng đến hiệu quả nội dung đề xuất phân cấp", ông Hải nhấn mạnh.
Quán triệt tinh thần Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", trong thời gian tới, ông Dương Ngọc Hải cho biết, UBND TP sẽ kiên trì thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế ở các ngành, lĩnh vực, địa phương; có thể thí điểm đẩy mạnh phân cấp tới cấp phường.
Đồng thời, tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành các nội dung cần phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện, khả năng, thế mạnh để tạo sự đột phá cho TPHCM trong giai đoạn mới.
Tùng Phong