Vietstock - Làm theo xu hướng, không làm theo phong trào
Nếu chỉ nhìn lại diễn biến của nền kinh tế trong mươi năm trở lại đây, rất dễ đồng tình với kết luận làm theo kiểu phong trào như ồ ạt thành lập các tập đoàn kinh tế, cổ vũ các địa phương thành lập trường đại học hay cứ yêu cầu các ngân hàng thương mại liên tục tăng vốn thì trước sau gì cũng nhận lãnh hậu quả không hay, đa phần sẽ rơi vào chỗ thất bại.
Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải quyết định loại dự án sân bay An Giang ra khỏi danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020. Trong ảnh là phối cảnh dự án sân bay An Giang. Ảnh: TBKTSG
|
Thế nhưng làm sao phân biệt được đâu là phong trào, cần tỉnh táo tránh xa; đâu là xu hướng để đón đầu, bắt lấy cơ hội?
Điểm đầu tiên là các phong trào thường mang dấu ấn chủ quan, bỏ qua quy luật thị trường. Việc thành lập các tập đoàn kinh tế, chẳng hạn, chỉ là sự lắp ghép cơ học các doanh nghiệp nhà nước lại với nhau, ràng buộc với nhau bằng mệnh lệnh hành chính chứ không phải do nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp này. Động cơ của những người “làm tập đoàn” là tận dụng cơ chế xin cho, các ưu đãi mà Nhà nước dành riêng cho họ như nguồn vốn, đất đai chứ không phải do cung cầu của thị trường.
Thứ nữa, các phong trào thường nhắm đến một mục đích nào đó mà không quan tâm đến hệ lụy có thể xảy ra. Ví dụ, khi yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần liên tục tăng vốn điều lệ, đích nhắm là các tỷ lệ an toàn vốn, là quy mô của hệ thống... Thế nhưng thúc ép ngân hàng tăng vốn khi họ chưa đủ thực lực dễ dẫn tới vốn ảo, sở hữu chéo, kích thích các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng, rồi từ đó hình thành các đường dây cho vay sân sau. Mở trường đại học thì tốt cho người dân địa phương, ai cũng kỳ vọng đại học của tỉnh nhà sẽ đào tạo nguồn nhân lực làm cú hích phát triển. Thế nhưng do thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn lực giảng viên, chắc chắn chất lượng đào tạo sẽ kém và hệ lụy trường mở ra nhưng không thu hút được sinh viên là điều có thể đoán trước.
Vì mang tính chủ quan, duy ý chí, các phong trào thường đi liền tâm lý “bằng chị, bằng em”; tỉnh bên cạnh có cảng, có sân bay thì tỉnh ta cũng phải có cảng to hơn, sân bay hoành tráng hơn. Đôi lúc, phong trào cũng rộ lên do các nhóm lợi ích thấy được những mối lợi béo bở như một số dự án BOT giao thông mà thực chất không xây đường mới, chỉ tu sửa đường quốc lộ đã có rồi thu tiền. Đáng ngại nhất là phong trào kiểu này đã làm sản sinh loại doanh nghiệp thân hữu, gắn bó với các quan chức cụ thể ở địa phương để hớt hết mọi cơ hội thị trường, tạo ra rào cản cho doanh nghiệp khác và làm méo mó môi trường cạnh tranh trong kinh doanh ở nhiều nơi.
Ngược lại, những gì thuận theo quy luật thị trường, do nhu cầu từ thực tế, do cạnh tranh lành mạnh mà nổi lên thì trở thành xu hướng, ai nhanh nhạy nắm bắt sẽ thắng trên thương trường. Loại ví dụ này có nhiều, không thể kể hết như sự ra đời và lớn mạnh của các ngành chăn nuôi thủy sản, trồng tiêu, điều, cà phê, các ngành sản xuất thâm dụng lao động như may mặc và cả ngành mới như gia công phần mềm cho nước ngoài... Không ai bảo ai thế mà các startup ở Việt Nam cũng sôi nổi nhảy vào nhiều lĩnh vực mới mẻ, với nhiều trường hợp thành công.
Cái quyết định là một độ lùi nhất định của Nhà nước để không gian cho bàn tay thị trường phát huy tác dụng. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò bà đỡ và nuôi dưỡng một môi trường thuận lợi.