Vietstock - Làm sao để kinh tế ngầm lộ diện?
Một khi không còn tình trạng chung chi, lót tay, hạch sách thì khi đó chắc chắn không có lý do gì để doanh nghiệp phải ẩn mình.
* 'Soi' kinh tế ngầm quy mô 60 tỉ đô ở Việt Nam
Tại cuộc họp tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Thống kê vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành này cần phải đưa các hoạt động kinh tế không chính thức vào GDP để quản lý thuế.
Đây không phải là lần đầu kinh tế "ngầm" được nhắc đến. Trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư hoàn thiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế.
Sự tồn tại kinh tế ngầm, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đang được thừa nhận như một thực tế. Theo nghiên cứu của Đại học Fulbright, quy mô nền kinh tế ngầm Việt Nam lên đến 25-30% GDP và là nơi làm việc của 57% lao động.
Với quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành khoảng 5 triệu tỉ đồng thì tính ra khu vực kinh tế "ngầm" tương đương từ 1,25-1,5 triệu tỉ đồng.
Quy mô quá lớn của khu vực kinh tế này chính là một trong những lý do mà cơ quan quản lý muốn thống kê để đưa vào GDP, từ đó có biện pháp quản lý, thu thuế.
Tuy nhiên, có dễ ghi nhận, thống kê khu vực kinh tế này không? Đã gọi là kinh tế ngầm thì thống kê dựa trên cơ sở nào, công tác dữ liệu phải ra sao để đảm bảo tính chính xác, khách quan và đúng quy mô của khu vực này thực sự là một bài toán khó.
Nhưng thống kê chỉ là một trong những việc cần làm, đích đến phải là tìm ra giải pháp khả thi để dần đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng.
Thời gian qua, trong bối cảnh các quy định pháp luật chưa hoàn thiện, thậm chí còn nhiều bất cập, nhiều người chọn hoạt động trong khu vực không chính thức nhằm tránh những rườm rà mà luật pháp mang lại. Ngoài ra, họ cũng chọn cách "ẩn mình" để giảm gánh nặng thuế, phí.
Như vậy, để đưa dần các hoạt động kinh tế ngầm ra ánh sáng, bên cạnh việc thống kê, cơ quan chức năng cần tạo môi trường kinh doanh sao cho người dân cảm thấy có lợi hơn khi hoạt động công khai và được thụ hưởng các ưu đãi về chính sách, các dịch vụ công, được vay vốn ngân hàng để phát triển kinh doanh...
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng phải đủ mạnh để khuyến khích được cá nhân, doanh nghiệp chuyển qua khu vực chính thức. Quan trọng nhất là chuyển dần từ việc thanh toán bằng tiền mặt hiện nay sang thanh toán qua ngân hàng, khi đó mọi giao dịch trong nền kinh tế sẽ được công khai, đồng thời triệt tiêu được những hoạt động trong vùng tối.
Các chính sách thuế, phí, thanh tra, kiểm tra cũng phải xem xét lại sao cho hợp lý để người kinh doanh không "phản ứng" bằng cách hoạt động trong khu vực ngầm.
Sẽ khó làm cho khu vực kinh tế ngầm biến mất, nhưng nếu thực hiện được các chính sách khuyến khích kể trên thì sẽ dần khiến khu vực kinh tế chính thức tăng lên và khu vực kinh tế ngầm thu nhỏ lại.
Một khi môi trường kinh doanh được cải thiện, điều kiện kinh doanh thông thoáng, chính sách thuế, phí phù hợp, không còn tình trạng chung chi, lót tay, hạch sách, "trên trải thảm, dưới rải đinh" thì khi đó chắc chắn không có lý do gì doanh nghiệp phải ẩn mình, họ sẽ đường hoàng bước ra khu vực kinh tế chính thức, hoạt động công khai và đóng góp cho ngân sách.
ÁNH HỒNG