Vietstock - Lại điêu đứng với 'bom nợ' Đạm Ninh Bình
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo tình hình trả nợ vay đầu tư Dự án Đạm Ninh Bình. Theo đó, Vinachem cho biết, không thanh toán đủ nợ đến hạn khoản vay đầu tư Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Gánh nặng tài chính đang khiến Đạm Ninh Bình trong cảnh ngấp nghé phá sản nếu không được hỗ trợ.
Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức
|
Vinachem không đủ khả năng trả hết nợ cho dự án 12.000 tỷ đồng
Trong báo cáo mới nhất về tình hình vay, trả nợ của Dự án Đạm Ninh Bình, Vinachem cho biết, Đạm Ninh Bình đang trong cảnh hết sức khó khăn và bản thân tập đoàn dù đã rất nỗ lực nhưng cũng không có đủ khả năng thu xếp nguồn tiền để trả nợ toàn bộ các khoản vay đến hạn trong năm 2018 cho chủ VDB.
Theo Vinachem, trong 2 năm 2008 - 2010, lãnh đạo tập đoàn này đã ký hai hợp đồng vay vốn với tổng số tiền cam kết cho vay là 3.340 tỷ đồng và 76 triệu USD (tương ứng 4.7770 tỷ đồng) để thực hiện dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình. Tính đến ngày 31/8/2018, tổng dư nợ của hai hợp đồng tín dụng nói trên đã lên tới 2.658 tỷ đồng và 1,69 triệu USD. Tổng số tiền gốc phải trả và tiền lãi phát sinh, lãi quá hạn chưa trả tính đến tháng 9/2018 mà Đạm Ninh Bình phải trả cho VDB lên tới 473,3 tỷ đồng và 324.700 USD. Trong số này, đến nay Vinachem mới trả nợ gốc được tổng cộng 50 triệu đồng và 324.700 USD. Tổng số tiền gốc và lãi bao gồm cả nợ gốc và lãi quá hạn chưa được tập đoàn thanh toán cho chủ nợ lên tới 473,2 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư và Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, được xây dựng từ năm 2008. Dự án có công suất 560.000 tấn một năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng, nằm tại tỉnh Ninh Bình. Nhà máy được vận hành chính thức vào năm 2012, tuy nhiên từ đó đến nay nhà máy luôn rơi vào thua lỗ nặng. Trong đó, năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 592 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới nay lên tới trên 4.000 tỷ đồng. |
“Do tình hình tài chính tập đoàn hiện nay rất khó khăn, tập đoàn không có đủ khả năng thu xếp nguồn tiền để trả nợ toàn bộ các khoản vay đến hạn cho VDB trong năm 2018. Tập đoàn chỉ thu xếp được để trả VDB một phần nợ gốc và lãi vay đến hạn”, lãnh đạo Vinachem cho hay.
Trước khó khăn trên, trong văn bản gửi Chính phủ mới đây, lãnh đạo Đạm Ninh Bình kiến nghị không xếp hạng tín dụng với công ty, đồng thời cho phép kéo dài tín dụng vay lên 20 năm với VDB. Cùng đó, công ty xin được cân đối trả nợ gốc theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ tài trợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng cho vay và cho phép điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm (2017 đến 2021) là 3%/năm. Các khoản nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm tiếp theo.
Gánh nặng khó cứu
Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Vinachem cho biết, tình hình hoạt động của Đạm Ninh Bình nếu xét về hiệu quả luôn là vấn đề được đặt ra trong các cuộc họp liên quan đến các dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ. Về bản chất, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ trong hỗ trợ về thuế, hỗ trợ giãn, khoanh nợ, giãn trích khấu hao thì Đạm Ninh Bình không thể vượt qua khó khăn chứ đừng nói đến hoạt động hiệu quả. “Thực sự giải cứu Đạm Ninh Bình là nhiệm vụ khó khăn”, vị này thừa nhận.
Thực tế cũng cho thấy, “giải cứu” Đạm Ninh Bình là không hề dễ dàng khi tính đến cuối tháng 8 vừa qua, tổng lỗ lũy kế so với cuối năm 2017 của dự án này đã tăng thêm hơn 700 tỷ đồng, lên tới 4.751 tỷ đồng. Tình hình hoạt động của đơn vị này càng bi đát hơn khi Bộ Công Thương cho hay, trong 8 tháng năm 2018, thời gian chạy máy là 117 ngày (tạm dừng 7 lần do sự cố, trong đó lần dài nhất từ ngày 10/5 đến 22/8/2018) và đang vận hành ổn định đạt 80% công suất với sản lượng sản xuất đạt 125.289 tấn urê, doanh thu đạt 804,93 tỷ đồng. Trong 8 tháng hoạt động, công ty lỗ thêm 701,8 tỷ đồng, tăng hơn 145 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017.
Cũng liên quan đến hoạt động của Đạm Ninh Bình, thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cách đây ít ngày cho hay, trong năm 2019, các đơn vị chuyên môn sẽ vào kiểm toán toàn bộ việc đầu tư xây dựng của dự án này cùng với một số dự án có nhiều tai tiếng khác của ngành Công Thương như: Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1.
Về dự án này, Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc xử lý sau thanh tra, khắc phục những tồn tại, xử lý vi phạm tại dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và Công ty Đạm Ninh Bình.
Theo cơ quan thanh tra, dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình đã được Bộ Công Thương thanh tra, có kết luận. Đến nay Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng - Bộ Công an đang tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan và có văn bản yêu cầu Vinachem cung cấp tài liệu, chứng từ liên quan đến dự án Đạm Ninh Bình. Kiểm toán Nhà nước hiện đã cử tổ khảo sát đến dự án thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan.
Cũng liên quan đến hoạt động của Đạm Ninh Bình, thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cách đây ít ngày cho hay, trong năm 2019, các đơn vị chuyên môn sẽ vào kiểm toán toàn bộ việc đầu tư xây dựng của dự án này cùng với một số dự án có nhiều tai tiếng khác của ngành Công Thương như: Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1. |
Phạm Tuyên