Vietstock - Kinh tế tuần hoàn: Câu chuyện từ phụ phẩm ngành thủy sản
Sản xuất, chế biến sản phẩm giá trị cao từ phụ phẩm ngành thủy sản – một trong những vấn đề nổi bật tại hội nghị do Aquaculture Vietnam phối hợp tổ chức cùng với Hội Thủy sản Việt Nam (Vinafis) và Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (Icafis) – được kỳ vọng mang lại không chỉ lợi ích về kinh tế mà còn có khả năng rút ngắn lộ trình đạt Net Zero như Chính phủ cam kết.
Bài học từ ngành cá tuyết của Iceland
“Ở Việt Nam rất nhiều hội thảo nói về kinh tế tuần hoàn nhưng lại không nêu được trường hợp điển hình”, ông Phan Thanh Lộc - Chủ tịch HĐQT Vietnam Food (VNF (HN:VNF)) - bắt đầu bài chia sẻ của mình tại hội nghị và cho rằng kinh tế tuần hoàn khá phức tạp trong khi lợi ích thì rất rõ ràng, như việc bảo tồn tài nguyên, giúp giải quyết các vấn đề tác động khí hậu, cũng như khuyến khích sáng tạo. Ông dẫn chứng ngành cá tuyết của Iceland, có thể xem là một ví dụ điển hình về mô hình kinh tế tuần hoàn, dù đất nước này chỉ có vài trăm ngàn dân.
Ông Phan Thanh Lộc chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Tử Kính
|
Tại Iceland, sản lượng cá tuyết đã tăng từ 180 ngàn tấn lên 470 ngàn tấn liên tục trong 30 năm. Tuy nhiên, quá trình này khiến môi trường đang mất đi tính cân bằng, do đó Chính phủ nước này quyết định: cá tuyết không nên dừng ở mỗi sản phẩm phi-lê (fillet) mà phải tận dụng cả phụ phẩm, và phải làm bằng khoa học công nghệ.
Theo ông Lộc, Iceland thu hồi khoảng 95% phụ phẩm, trong khi trung bình thế giới khoảng 75%. Còn tại Việt Nam, một thống kê chính thức cho thấy tỷ lệ đạt khoảng 56% cho toàn ngành nông nghiệp. Ngành phụ phẩm của Iceland tạo ra hơn 47,000 tấn sản phẩm mới trong năm 2010, gấp 28 lần con số năm 1992. Giá trị gia tăng từ phụ phẩm liên tục được tạo ra, từ 5 triệu USD lên 1.3 tỷ USD, tương đương 260 lần.
“Họ xây dựng niềm tự hào của người dân Iceland để đưa toàn bộ câu chuyện phụ phẩm ra toàn dân chứ không còn riêng lẻ của một vài doanh nghiệp, hoặc là riêng rẻ của một ngành”, lãnh đạo VNF nói và cho biết, sản lượng ngành cá tuyết của Iceland chỉ bằng khoảng 1/10 tổng sản lượng tôm và cá tra của Việt Nam, nhưng tạo được 1.3 tỷ USD giá trị phụ phẩm là hết sức ấn tượng (kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2023 đạt 1.8 tỷ USD, còn tôm đạt 3.4 tỷ USD).
Iceland theo đó đã cho ra đời công ty kỳ lân (công ty có giá trị hơn 1 tỷ USD) đầu tiên trong lĩnh vực phụ phẩm từ cá – đó là Kerecis được Coloplast mua lại với giá 1.4 tỷ USD. Công ty này đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển, chiết xuất da cá tuyết nguyên miếng làm da nhân tạo; ứng dụng trong ngành y tế như phẫu thuật, làm lành vết thương, vết bỏng hay điều trị da.
Và không riêng Kerecis, các doanh nghiệp lớn trên thế giới về nông nghiệp, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi cũng đang triển khai một cách tích cực các hoạt động mang tính tuần hoàn, không đâu khác ngoài Việt Nam. Chẳng hạn, Công ty Cargill (Mỹ) – đang có hoạt động sản xuất, cung cấp thức ăn chăn nuôi cho ngành thủy sản tại Việt Nam – đã tận dụng dòng thải trong sản xuất socola để thay thế đường trong thức ăn khô cho bò; hỗ trợ tư vấn nông dân tận dụng phụ phẩm thành nguyên liệu protein…
Trường hợp BioMar – một trong những công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cho ngành thủy sản lớn nhất thế giới, đặc biệt là cá hồi – đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ sử dụng 50% nguyên liệu đầu vào từ phụ phẩm và các dòng thải. Tương tự, Nutreco hợp tác với Heineken trong một dự án tận dụng bã bia phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi.
Phụ phẩm từ tôm có thể tạo ra giá trị gấp 20-30 lần
Quay lại câu chuyện tại Việt Nam, mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 sẽ đạt 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu ngành tôm, gấp khoảng 3 lần hiện nay, tương đương sản lượng khoảng 1.1 triệu tấn. VNF ước tính phụ phẩm từ tôm vào khoảng 400-500 ngàn tấn. Với cách làm như bây giờ, sẽ bỏ một lượng chất thải rất lớn và nếu không xử lý đúng sẽ trở thành một gánh nặng môi trường, kể cả đối với các phụ phẩm thủy sản khác.
Nghiên cứu từ công ty của ông Lộc chỉ ra đầu vỏ tôm có rất nhiều dưỡng chất, có thể tạo rất nhiều nguyên liệu, tiêu biểu như bột tôm, chitin, chitosan, chiết xuất tôm… từ đó có thể có rất nhiều ứng dụng vào các lĩnh vực như dược phẩm, thực phẩm chức năng, thức ăn chăn nuôi…
Ước tính cho thấy phụ phẩm từ tôm có thể tạo ra giá trị gấp 20-30 lần nếu ứng dụng vào ngành dược phẩm, hay từ 15-20 lần nếu ứng dụng vào thực phẩm chức năng. Cách mà công ty này đang làm đó là tập trung vào công nghệ để làm sao “lôi ra” được nhiều dưỡng chất từ đầu tôm, kể cả phần đuôi cũng đang được giải quyết triệt để.
Phụ phẩm tôm được chế biến và sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, thậm chí đã tuần hoàn và quay lại với tôm, tức là “lấy cái đã bỏ đi của chính ngành đó và trả lại cho nó” - theo lời ông Lộc - VNF đã nuôi thành công vi sinh bằng những dưỡng chất còn lại của toàn bộ quá trình thu hồi nên về mặt lý thuyết, khả năng đạt được tuần hoàn toàn bộ trong ngành tôm là rất sáng.
Việt Nam hiện đang có 170-180 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm và khả năng rất cao phần lớn chưa được xử lý. Nếu để không thì sẽ là nguồn gây ô nhiễm, ngược lại nếu thu hồi thì có thể mang lại khả năng bù trừ carbon thay vì mua tín chỉ. Và chính sản phẩm tạo ra từ phụ phẩm lại có thể làm giảm carbon nhiều nhất. Chủ tịch VNF dẫn chứng trong ngành thức ăn chăn nuôi, lượng bột cá đang được nhập khẩu từ Peru về Việt Nam qua quãng đường hơn 19,000 cây số, trong khi vận chuyển đang đứng thứ hai trong chuỗi các yếu tố gây phát thải nhiều nhất. Do đó, việc xử lý phụ phẩm không chỉ vấn đề tạo ra giá trị, mà còn có thể đóng góp cho đất nước trong việc giảm phát thải.
Đầu tôm có thể tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao
|
Dư địa ngành chế biến phụ phẩm đang rất dồi dào
Tại Việt Nam, hơn một nửa giá trị xuất khẩu thủy sản nằm ở tôm và cá tra, tập trung chủ yếu ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Đào Trọng Hiếu - chia sẻ về khảo sát do đơn vị của ông thực hiện tại các cơ sở chế biến tôm và cá tra cho thấy, phụ phẩm từ hai loại thủy sản này đạt khoảng 1.5 triệu tấn vào năm 2021, bao gồm hơn 500 ngàn tấn từ tôm và 1 triệu tấn từ cá tra, chưa tính đến các phụ phẩm từ hải sản, các loại nhuyễn thể khác.
Kết quả chỉ ra lượng tôm được chế biến giá trị cao chiếm 63% tổng sản lượng ngành này và ngày càng tăng (chế biến thô khoảng 37%), đồng nghĩa phụ phẩm ngày càng nhiều. Cá tra thì ngược lại, tỷ trọng sản phẩm chế biến thô lên đến 90%, chỉ khoảng 10% được chế biến để tạo ra giá trị gia tăng.
Về giá bán, phụ phẩm cá tra những năm gần đây tăng hàng chục phần trăm, có lúc rất khan hiếm đến mức “tranh nhau mua” nhưng tỷ lệ đưa vào chế biến quy mô công nghiệp còn rất thấp, trên dưới 30% kể cả đối với tôm hay cá tra. Hơn nữa, các sản phẩm chính từ phụ phẩm tôm và cá tra chủ yếu đang dùng nhiều cho chăn nuôi, trong khi sử dụng cho công nghiệp thực phẩm, y dược vẫn đang thấp.
Số liệu cho thấy thu từ xuất khẩu các sản phẩm phụ phẩm tôm gần 4 ngàn tỷ đồng trong năm 2021, còn cá tra đạt hơn 11.5 ngàn tỷ đồng nhưng giá trị xuất khẩu vẫn đang thấp hơn nhiều so với tiêu thụ nội địa. “Một dư địa rất lớn để chúng ta chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng”, ông Hiếu nhận định, và cũng thừa nhận mức độ quan tâm, coi trọng đối với phụ phẩm hiện chưa cao. Tư duy vẫn là sản phẩm thải bỏ, kém giá trị và xử lý chỉ để đáp ứng các quy định về môi trường mà chưa thực sự nâng niu các giá trị mà phụ phẩm mang lại.
Ông Đào Trọng Hiếu chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Tử Kính
|
Khó khăn vẫn còn rất nhiều
Theo lãnh đạo VNF, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp đó là: không nhiều người sẵn sàng chi trả nhiều hơn chỉ bởi vì công ty đó làm sạch môi trường hay hoạt động theo mô hình ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị). “Đó là thực tế”, ông nói, “Thậm chí còn ngược lại khi nhiều người nghĩ rằng giá trị sản phẩm từ phụ phẩm sẽ không cao do nguyên liệu đầu vào mặc định được thu mua với giá bèo", và cho rằng sản xuất vốn dĩ đã khó nhưng sản xuất từ phụ phẩm còn khó hơn rất nhiều. Lý do: nếu sản xuất từ chính phẩm thì đầu vào ổn định, trong khi đầu vào của phụ phẩm thì "chạy từ dưới đất lên trời”.
Một khó khăn nữa nằm ở mô hình kinh doanh phụ phẩm của Việt Nam, bắt buộc phải mua toàn bộ, có nghĩa là phải “ôm” toàn bộ phụ phẩm trong khi những ngày đầu tiên chưa có công nghệ, nhà máy hay giải pháp để bán những sản phẩm này.
Với góc nhìn của một chuyên gia của Bộ NN&PT Nông thôn, ông Hiếu nói một trong những vấn đề nan giải nhất là việc thu gom, vận chuyển phụ phẩm. Ước tính cả trăm triệu tấn phụ phẩm được thải ra mỗi năm nhưng cực kỳ khó thu gom vì phân tán, nhỏ lẻ và manh mún. Các cơ sở chế biến tôm, cá tra nhiều khi còn phải mất tiền để nhờ đơn vị khác thu gom, xử lý. “Cho không người ta còn phải mất tiền để người ta bỏ đi giùm bởi vì mỗi một lần thải ra số lượng quá ít, không thể thu gom được, chưa kể chất lượng đầu vào không đảm bảo”, ông chia sẻ về thực trạng hiện nay.
Bắt buộc phải có định hướng từ nhà nước?
“Một 1kg tôm giá chỉ 20 USD nhưng 1kg chitosan (phụ phẩm trích xuất từ tôm) có thể có giá lên tới 500 USD”, là dẫn chứng của ông Hiếu về giá trị mà phụ phẩm từ tôm có thể đạt được, nhưng để thành hiện thực cần phải áp dụng khoa học công nghệ, từ đó mới có được sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng; đặc biệt nên nghiên cứu ứng dụng vào đa ngành, đa lĩnh vực.
Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chuỗi cung ứng, nghĩa là chế biến phụ phẩm gắn với các cơ sở chế biến chính phẩm. Mô hình kiểu VNF được chuyên gia đánh giá là điển hình trong việc liên kết giữa chính phẩm và phụ phẩm hiện nay. Công ty này đang hợp tác với một trong những doanh nghiệp chế biến tôm đầu ngành để có thể lấy phụ phẩm tôm còn tươi nguyên thông qua một băng tải, giúp tận dụng triệt để, đặc biệt là chất lượng phụ phẩm được đảm bảo. Bên cạnh đó, việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng rất cần thiết.
Đồng quan điểm, Chủ tịch VNF đặc biệt nhấn mạnh về việc muốn làm kinh tế tuần hoàn bắt buộc phải có tư duy khác biệt, không thể làm được nếu dùng tư duy cũ, không thể nào không dùng công nghệ. Ông công nhận Việt Nam đang có nền tảng công nghệ, tạm thời gọi là vượt trội trong ngành tôm, và lợi thế hơn các nước khác ở chỗ có rất nhiều phụ phẩm mà các nước này “dù muốn cũng không có”. Nhưng quan trọng hơn cả là phải có các sáng kiến và phải xây dựng được hệ sinh thái, bởi không ai có thể làm một mình.
Hơn nữa, thị trường cần những tổ chức trước hết vì cộng đồng, chẳng hạn các quỹ phi lợi nhuận hay Ngân hàng Thế giới (WB) để có thể đưa ra những chính sách khuyến khích với chi phí thấp vì ban đầu “chưa tạo ra được gì cả”, tạo tiền đề để các tổ chức hoạt động vì lợi nhuận như doanh nghiệp tư nhân, các ngân hàng thương mại tham gia vào.
“Chúng tôi tin rằng chất thải hôm nay là tài nguyên của ngày mai”, ông Lộc chốt lại, “Để làm được điều này bắt buộc phải có sự định hướng của nhà nước vì đây là ngành mới. Và lịch sử thế giới đều cho thấy các ngành mới phải có nhà nước can thiệp, thông qua những khung pháp lý để định vị đó phải là một nghề, cuối cùng đó là niềm tự hào của đất nước, chứ không còn là câu chuyện riêng lẻ”.
Tử Kính