Vietstock - Hơn 140 vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
Đến hết tháng 8/2024, có 141 vụ điều tra chống bán phá giá hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, các vụ việc tự vệ là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là 37 vụ việc...
Sản xuất thép trong nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến hết tháng 8/2024, đã có 257 vụ việc điều tra Phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá là 141 vụ việc; các vụ việc tự vệ là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.
Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý) gửi các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.
Ngoài ra, công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tiếp tục triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại. Cụ thể, tiếp tục điều tra, rà soát 07 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 02 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 02 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 09 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Hiện tại, trong số 29 vụ việc điều tra thì đang có 17 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội./.
Đức Duy