Vietstock - Hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ carbon để không mất đi cơ hội phát triển rừng
Sau Hội nghị COP21, Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Trong thỏa thuận mới, 100% tín chỉ carbon sẽ đóng góp vào mục tiêu NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định). Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tín chỉ carbon.
Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon
|
Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường: cung cấp nguồn gỗ, củi, tạo ra oxy, điều hòa lưu lượng nước, là nơi cư trú động thực vật và lưu trữ các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự sống và bảo vệ sức khỏe của con người… Rừng còn có ý nghĩa kinh tế rất lớn, cung cấp tài nguyên gỗ làm vật liệu xây dựng, là nguyên liệu của ngành sản xuất và chế biến lâm sản, sản xuất giấy, đem tới công ăn việc làm, của cải cho con người.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế lâm nghiệp, Việt Nam đẩy mạnh phát triển rừng. Hiện nay, tín chỉ carbon rừng đang được ngành lâm nghiệp quan tâm. Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. Phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" và giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời giúp người dân dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
Ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: sau khi hoàn tất chuyển nhượng 10.3 triệu tín chỉ carbon, đến tháng 3/2024, Việt Nam nhận được tổng số tiền 51.5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB).
"Hiện nay, cả đối tác quốc tế và trong nước đều bày tỏ quan tâm đến chuyển nhượng tín chỉ carbon. Nếu không tận dụng kịp thời, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội quan trọng, bởi tín chỉ carbon càng lâu sẽ giảm giá trị, ảnh hưởng đến mức giá khi giao dịch. Bộ NN&PTNT đã thu thập ý kiến từ các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng để triển khai các hoạt động liên quan nhằm tận dụng tối đa cơ hội", ông Minh nói.
Theo ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT), hiện nay, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực giao dịch sôi động nhất. Giá tín chỉ carbon trên thị trường rất đa dạng, dao động từ 1 - 2 USD/tín chỉ cho đến mức gần 200 USD/tín chỉ.
Một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc đã phát triển tiêu chuẩn quốc gia riêng cho tín chỉ carbon. Các doanh nghiệp tại đây không chỉ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải mà còn chủ động áp dụng cơ chế tự nguyện trong sản xuất và kinh doanh, minh bạch hóa quá trình để đáp ứng sự giám sát từ cộng đồng quốc tế.
Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cũng đang gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ carbon rừng. Mục tiêu là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon trong nước.
Hoàn thiện cơ chế giao dịch
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, bày tỏ cần hiểu rằng giao dịch tín chỉ carbon rừng hiện nay bao gồm cả hợp tác quốc tế và cơ chế bán tín chỉ tự nguyện, chưa phải là thị trường bắt buộc.
Việt Nam chưa có cơ chế vận hành chính thức cho thị trường tín chỉ carbon. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, thị trường tín chỉ carbon dự kiến đến năm 2028 mới được thiết lập.
"Khi chưa có thị trường chính thức, tôi cho rằng chúng ta nên cho phép triển khai thí điểm và xuất bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế", ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên môi trường (Bộ TN-MT), đánh giá Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công trong huy động tài chính phục vụ giảm phát thải, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sau gần 10 năm chuẩn bị, Việt Nam đã bán thành công tín chỉ carbon, mang lại 51.5 triệu USD. Việt Nam đang tiếp tục chuẩn bị cho các dự án lớn hơn, điển hình là dự án 1 triệu ha lúa gắn với tín chỉ carbon.
Dù vậy, theo ông Thọ, Chính phủ tương đối thận trọng trong mua bán tín chỉ carbon. "Khi tham gia các cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề này, chúng tôi đã bàn về việc kết nối 2 thị trường tự nguyện và tuân thủ.
Thị trường carbon tuân thủ được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Thị trường carbon tự nguyện là nơi việc phát hành, mua và bán tín chỉ carbon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia. Những nước đi trước như Hàn Quốc đã thực hiện việc kết nối 2 thị trường này từ rất sớm, còn Việt Nam lại đang dè dặt.
Trên thị trường tự nguyện, tín chỉ carbon có giá thấp. Vì vậy, kết nối giữa thị trường tuân thủ và tự nguyện hết sức quan trọng. Nếu tín chỉ carbon của Việt Nam được tăng lên trên thị trường tuân thủ có thể khuyến khích nông dân sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước tiến tới nền nông nghiệp bền vững", ông Thọ nói.
Ông Thọ phân tích thêm, thời gian triển khai dự án carbon mất từ 12 - 18 tháng mới xong phần cơ sở, sau đó mất 3 năm để kiểm kê và mất 3 - 5 năm nữa mới có thể bán được tín chỉ carbon. Nếu kéo dài, Việt Nam khó có thể tạo sự kết nối giữa 2 thị trường.
"Đây là vấn đề lớn, tôi mong các bộ, ngành sớm có sự bắt tay để đưa vấn đề này vào thực tế thật nhanh. Hiện giờ chúng ta đang quá thận trọng, Bộ NN&PTNT cần đi nhanh, đi kịp thời nếu không muốn mất cơ hội bắt kịp thế giới", ông Thọ nhấn mạnh.
Nhật Quang