Vietstock - Hô hào thông minh
Mỗi hai đến ba năm, tôi lại ghé thăm đối tác ở Hà Lan, hai doanh nhân Martjin và Ramon. Mùa thu năm nay cũng vậy. Làm việc xong, Martjin và Ramon đưa chúng tôi đi ăn ở trung tâm Breda, thành phố nhỏ phía nam Hà Lan. Đồ ăn ngon, nhưng tôi lại bị cuốn hút bởi việc gửi xe ô tô ở đây. Năm năm trước, họ đặt các cột nhận tiền xu, chủ xe bỏ xu tính giờ.
Hai năm sau, Martjin rút thẻ tín dụng ra quẹt để trừ tiền vé. Nhưng tháng trước, tôi chẳng thấy còn cột nào. Anh đối tác đậu xe, vừa đi thong thả vừa rút điện thoại thông minh ra chấm chấm. Anh giải thích, bây giờ họ trả phí đỗ xe qua app.
Toàn bộ đất nước Hà Lan được đầu tư hệ thống quản lý bãi đỗ xe thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Khi xe vào các vị trí đỗ, phần mềm sẽ tự tính toán thời gian đậu trong bãi và tính tiền, tự động trừ từ thẻ tín dụng của chủ phương tiện đã được cài đặt các thông số.
Trong câu chuyện, chúng tôi nói về việc Chính phủ Hà Lan đã tiết kiệm được rất nhiều ngân sách thông qua việc cắt giảm lực lượng nhân viên đông đảo ở các trạm thu phí bãi đỗ xe. Tôi nhẩm tính, chỉ cần làm việc này, Hà Nội và TP HCM sẽ tiết kiệm được nguồn tiền khổng lồ duy trì đội ngũ nhân viên các công ty công ích. Nó còn giúp chính phủ thu được 100% phí từ người dùng, không còn bị tiêu cực thất thoát ngân sách thu phí công cộng qua quá nhiều khâu trung gian.
Không chỉ trong việc quản lý bãi đỗ xe, Ramon kể, trong mọi công tác vận hành cuộc sống, chính phủ Hà Lan đều công khai đề bài của mình. Mọi người dân, giới doanh nghiệp sau đó đưa ra các đề xuất, tham gia dự thầu, cung cấp cho cơ quan công quyền hoàn thiện bộ máy với mục tiêu "điện tử" và "thông minh" của họ.
Cách chúng ta không xa, tại Quảng Châu, Trung Quốc, việc thu phí qua app trên trên điện thoại thông minh cũng đã là chủ đạo. Hầu như không còn thấy các nhân viên mặc đồng phục, thu phí thủ công tại các bãi đỗ xe.
Tôi từng theo chân anh bạn Việt kiều đến đăng ký mở doanh nghiệp tại Montreal, Canada. Kể từ lúc chúng tôi bước chân vào văn phòng cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh đến lúc rời khỏi đó với tờ giấy phép thành lập doanh nghiệp mới là chưa đầy 25 phút. Bước vào, bạn trình thẻ căn cước với nhân viên, cô ấy dẫn bạn đến một máy tính chuyên dụng kết nối mạng và hệ thống thanh toán thẻ tín dụng. Sau khi tự khai mọi thông tin đăng ký online và thanh toán lệ phí bằng thẻ tín dụng, chủ doanh nghiệp tự in ra tờ giấy phép đăng ký kinh doanh của chính mình. Doanh nghiệp ngay lập tức đã bắt đầu hoạt động. Tôi chợt nhớ lại, thủ tục thành lập một doanh nghiệp ở Việt Nam sau vô số lần cải tổ, hiện vẫn mất hàng tuần lễ với rất nhiều cửa ải, giấy tờ in và viết tay.
Hai con trai tôi đang học tại Canada. Chúng tôi thuê cho các cháu một căn hộ đứng tên vợ tôi. Tuy vợ tôi sống ở Việt Nam nhưng mọi chi phí như điện, nước, internet của căn hộ kia đều được thanh toán tự động vào thẻ tín dụng của cô tại Việt Nam và gửi thông báo qua email. Đặc biệt, thông tin gửi qua email không chỉ là các chỉ số điện, nước đã sử dụng và số tiền đã được thanh toán mà còn kèm theo bảng kê khai, phân tích các chỉ số điện, nước được sử dụng theo mùa, theo ngày và theo giờ. Qua đó, họ hướng dẫn người sử dụng có cách dùng tối ưu, hiệu quả nhất để tiết kiệm năng lượng và chi phí dịch vụ. Bất cứ thời điểm nào, bạn cũng có thể truy cập vào internet để biết ngay lúc đó nhà bạn dùng hết bao nhiêu tiền điện, nước,...
Trong khi đó, nhà tôi ở Việt Nam, trong một khu đô thị hiện đại ở trung tâm TP HCM, nhưng mỗi tháng một lần, anh nhân viên thu tiền nước vẫn đều đặn bấm chuông cửa như cách đây 30 năm. Tôi hỏi một người là giám đốc ngân hàng, rằng sao chưa đưa dịch vụ thu tiền nước tự động qua ngân hàng như đã áp dụng cho phí tiền điện và viễn thông. Vị giám đốc ngân hàng phân trần, muốn lắm chứ nhưng vấn đề là "ngành nước chưa muốn". Lý do còn là công ăn việc làm của hàng trăm ngàn lao động đang đi thu tiền nước.
Chúng ta đang được hô hào một cách rầm rộ về một cuộc "cách mạng công nghiệp 4.0". Chính phủ đang muốn giới doanh nghiệp, người dân chủ động tiếp cận với cuộc "cách mạng" này. Tuy vậy hơn ai hết, người dân cần nhìn thấy chính phủ chủ động đi trước dẫn đường. Một bộ máy hành chính còn mang nặng tính quan liêu bao cấp với số lượng các công chức khổng lồ là một trong những rào cản đi lên của đất nước, cũng là rào cản Chính phủ thông minh hay điện tử.
Chính phủ vừa ban hành nghị định tăng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động từ 1/1/2019 với mức 160.000-200.000 đồng mỗi tháng tùy theo khu vực. Để có quyết định này, biết bao nhiêu tranh cãi đã diễn ra bởi lý do ngân sách bị co kéo, hay sức nặng cho chỗ này chỗ khác.
Tôi tự hỏi nếu xã hội hóa được vô số phần việc trong các doanh nghiệp nhà nước, dịch vụ công, theo cách làm của nhiều nước hiện nay: mời doanh nghiệp đấu thầu cung cấp app hay phần mềm quản lý; có lẽ việc tranh cãi về lương tối thiểu hay tiết kiệm ngân sách cũng dịu đi rất nhiều.
Thử tưởng tượng xem, chỉ cần cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên đang bấm chuông thu tiền nước trên toàn quốc mỗi ngày, chúng ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền lương và chi phí vận hành các công ty cấp nước nói riêng và hệ thống công ích nói chung?
Nếu chính phủ mạnh dạn, đẩy nhanh việc xây dựng một hệ thống vận hành xã hội thực sự là thông minh và điện tử thì việc cắt giảm được hàng triệu con người đang ghi vé thu lệ phí đỗ xe, viết giấy thu tiền bảo hiểm xã hội, thu tiền nước hay các công chức bàn giấy ở các cơ quan công quyền - gián tiếp đưa họ đến một công việc hiệu quả hơn - sẽ chẳng còn là tranh cãi gắt gao.
Câu hỏi về một Chính phủ thông minh không phải là "bao nhiêu" mà phải là "như thế nào".
Đinh Hồng Kỳ