Vietstock - Giá đóng tàu biển tăng do quy định mới
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện đội tàu Việt Nam có hơn 530 chiếc chạy quốc tế. Tính từ đầu năm 2017, đã có hơn 110 tàu biển được đóng thay thế cho đội tàu cũ đã về chạy nội địa hoặc đã được bán đi phá dỡ. Số lượng tàu biển chạy quốc tế đã giảm đáng kể, nên việc đóng tàu mới để bổ sung cho đội tàu biển là cần thiết. Tuy nhiên, những quy định mới, những công ước mới mà Việt Nam tham gia sẽ có những tác động không nhỏ đến các nhà máy đóng tàu, làm cho giá đóng tàu đang dần tăng lên.
Gần đây, thị trường đã có những dấu hiệu cải thiện, nhu cầu hàng hóa đã tăng, giá cước bắt đầu có những bước tiến theo hướng tăng lên. Do đó, nhu cầu đóng mới tàu chạy quốc tế cũng tăng lên. Ảnh: Uyên Viễn
|
Theo các quy định quốc tế mà Việt Nam tham gia, tàu có hợp đồng đóng từ ngày 1-1-2017, đặt ky hoặc hoán cải lớn từ ngày 1-1-2017 phải tuân thủ quy định về chỉ số hiệu quả năng lượng; hợp đồng đóng từ ngày 1-7-2014, đặt ky từ ngày 1-1-2015, bàn giao từ ngày 1-7-2018 phải tuân thủ quy định về kiểm soát tiếng ồn trên tàu; tàu đặt ky từ ngày 20-8-2013 phải tuân thủ các quy định về khu vực buồng sinh hoạt thuyền viên.
Trong các quy định này thì quy định về chỉ tiêu tiếng ồn trên tàu là rất khó dự tính và đảm bảo được từ khâu thiết kế, bởi nó phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ hiểu biết về tiếng ồn và giảm tiếng ồn của công ty thiết kế, chất lượng máy móc, thiết bị của nhà cung cấp, chất lượng đóng tàu. Trong khi đó, hiện tại ở Việt Nam chưa có bể thử đạt tiêu chuẩn thử để thử mô hình các hệ thống động lực, chân vịt nhằm làm cơ sở tính toán khẳng định sự phù hợp.
Theo Công ước quốc tế về kiểm soát nước dằn và cặn của nước dằn của tàu (BWM 2004) thì những tàu đặt ky đóng mới từ ngày 8-9-2017 phải đáp ứng các điều kiện thử nghiệm mô hình từ khi thiết kế tàu. Đây là điểm khá khó khăn cho các nhà máy đóng tàu Việt Nam vì phải thuê nước ngoài thử nghiệm mô hình. Giờ theo quy định mới này, nếu tính toán không chuẩn từ khâu thiết kế thì phải thuê thử mô hình nhiều lần, gây tốn kém nhiều hơn, đội giá tàu đóng mới lên cao.
Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973, sửa đổi bởi Nghị định thư 1978 (Công ước MARPOL 73/78) sẽ bắt đầu có hiệu lực áp dụng cho các tàu Việt Nam từ ngày 1-1-2019 quy định khắt khe hơn trong việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng từ khi thiết kế, đóng mới tàu. Đối với tàu dầu, thời gian gần đây, tàu đáy đơn không còn được sử dụng cho các tuyến vận chuyển quốc tế nữa.
Những năm trước, các nhà máy đóng tàu nhận nhiều đơn hàng đóng tàu mới, nhưng sau khi đặt ky triển khai đóng được giai đoạn đầu, thậm chí có tàu vừa đặt ky thì đã phải bỏ dở dang, bởi thị trường xuống quá sâu, chủ tàu gặp khó khăn về vốn. Gần đây, những tàu này được tái khởi động, tiếp tục đóng để hoàn thiện có chỉnh sửa, hoán cải lại cho các chủ tàu mới mua để đổi thành tàu dầu, tàu chở hóa chất. Do những tàu này được đặt ky từ trước ngày 8-9-2017 nên không chịu sự chi phối của việc thử mô hình tàu từ khi thiết kế theo BWM 2004.
Những con tàu đó sẽ được đưa vào kinh doanh tuyến nội địa, các tàu chạy quốc tế vẫn chịu sự chi phối của công ước trên nên việc trang bị theo các quy định của công ước vẫn phải thực hiện. Thực tế, từ khoảng năm 2012, các tàu đặt ky đóng mới ở các nhà máy đóng tàu Việt Nam không có tàu nào là tàu hàng chạy tuyến quốc tế.
Một số lượng lớn các tàu đã đóng trong giai đoạn hoàng kim của ngành vận tải biển (những năm trước 2008) hiện nay đã cũ, hư hỏng nhiều. Thời gian gần đây, thị trường đã có những dấu hiệu tăng lên, nhu cầu hàng hóa đã tăng, giá cước bắt đầu có những bước tiến theo hướng tăng lên. Do đó, nhu cầu đóng mới tàu chạy quốc tế cũng tăng lên.
Chỉ số BDI (Bantic Dry Index) gần đây đã có nhiều cải thiện đáng kể, đạt hơn 1.300 điểm trong thời gian dài cũng là động lực thúc đẩy việc đóng mới tàu biển.
Nhu cầu đóng tàu tăng trong khi các quy định quốc tế lại càng ngày càng chặt chẽ khiến cho chi phí đóng mới tàu tăng, gây thêm nhiều khó khăn cho các nhà máy đóng tàu Việt Nam.
La Quang Trí