Vietstock - Gần về cuối năm, nợ xấu thuận đà leo dốc
Hơn một nửa các nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý 3, chưa bàn đến kết quả kinh doanh có khả quan hay không, nhưng tỷ lệ nợ xấu hầu hết các ngân hàng đã công bố đều tăng cao là hiện thực nổi bật đáng lo ngại, nhất là khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã triển khai một năm.
Nếu như hồi 6 tháng đầu năm, các ngân hàng tăng tỷ lệ trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu nhưng tình hình nợ xấu vẫn còn nhiều vấn đề; thì xét trong 9 tháng đầu năm các nhà băng đã giảm tỷ lệ trích lập dự phòng, tăng cường mua bán nợ xấu, tuy nhiên nợ xấu càng trầm trọng hơn.
Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng đã công bố BCTC 9 tháng đầu năm 2018 (Đvt: Tỷ đồng, %)
|
Theo thống kê của Vietstock, tính đến 30/09/2018, dựa trên báo cáo của 16 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, chỉ có 2/15 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm là Sacombank (STB) và ABBank, riêng VietABank không công bố thông tin nợ xấu.
Có những nhà băng đã giảm tỷ lệ nợ xấu so với giữa năm nhưng xét chung vẫn tăng so với đầu năm gồm VietBank, SeABank và BacABank (BAB).
Đáng chú ý nhất là trường hợp của Saigonbank (SGB) khi chiếm ngôi đầu bảng nợ xấu với tỷ lệ ngất ngưởng 6.41%. Mặc dù dư nợ cho vay khách hàng không thay đổi nhiều nhưng nợ xấu tăng mạnh gấp đôi, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 2.3 lần, nợ nghi ngờ tăng 3.6 lần. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng đột biến lên 6.4% so với mức 2.98% hồi đầu năm. Mặc dù trước đó, Saigonbank cho biết có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ bán nợ xấu cho DATC, VAMC và các doanh nghiệp khác; tiến hành thủ tục khởi kiện khách hàng vay, làm việc với các cơ quan tòa án, thi hành án, các cơ quan chức năng để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu,... nhưng dường như tình hình càng ngày càng trầm trọng hơn.
Tỷ lệ nợ xấu của VPBank (VPB) đứng ở vị trí thứ 2, tổng nợ xấu cuối quý 3 đã tăng 52% so với hồi đầu năm, ở mức 9,400 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 61%, nợ nhóm 4 tăng 31% và nợ nhóm 5 tăng 62%, kéo theo tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt lên mức 4.7%, tăng đáng kể so với con số 3.39% tại thời điểm 31/12/2017.
Thành tích đáng ghi nhận nhất là Sacombank khi giảm được 22.5% nợ xấu so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3.18%, mặc dù vẫn cao hơn quy định 3% nhưng vẫn là cả sự cố gắng so với con số 4.67% đầu năm và 3.7% hồi giữa năm.
Đây là thành quả của việc tích cực thu hồi được hơn 3,600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm 2018. Gần đây Sacombank cũng tích cực bán đấu giá nhiều bất động sản lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó khu đất thuộc Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM với giá khởi điểm là 7,600 tỷ đồng, khu đất tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân và toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông với tổng diện tích khu đất hơn 500,000 m2 này được Sacombank rao bán với giá khởi điểm 6,698 tỷ đồng; và nhiều khu đất trung tâm tại quận 1,3,5…
Bảng tổng hợp dư nợ cho vay khách hàng và tỷ lệ nợ xấu 9 tháng đầu năm (Đvt: Tỷ đồng)
|
Ngoại trừ SGB, VPB và STB, các ngân hàng còn lại tuy tăng cao hơn so với đầu năm nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn còn kiểm soát được dưới 3%.
Xét về giá trị tuyệt đối, VPB đứng đầu bảng với hơn 9,400 tỷ đồng nợ xấu, tăng 51.6% so với đầu năm, kế đến là STB hơn 8,000 tỷ đồng nhưng đã giảm 22.5% so với đầu năm và Vietcombank (VCB) hơn 7,400 tỷ đồng nợ xấu.
Tuy nợ nhóm 4 giảm 44% nhưng nợ nhóm 3 của VCB tăng 23% so với đầu năm, lên mức 843 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng vọt lên 136% khi chiếm 4,578 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của VCB tăng 20% so với đầu năm, ở mức 7,424 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1.18%, tăng so mức 1.14% của đầu kỳ.
Ngoại trừ SGB (tăng 1.1 lần) và VPB (tăng 51.6%), xếp thứ 3 là MBB khi tăng 45% nợ xấu so với đầu năm, chiếm đến 3,218 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng có 11%. Một số ngân hàng cũng có nợ xấu tăng cao trên 30% như TCB (32.7%), Vietbank (40.6%), LPB (41.9%), TPB (31.7%), KLB (34.3%) và ACB (33.1%).
Vẫn còn một nửa các ngân hàng chưa lộ diện kết quả quý 3, nhưng có thể nhìn nhận rằng tình hình nợ xấu ngày càng trầm trọng mặc dù các ngân hàng đã và đang tích cực xử lý nợ xấu. Liệu rằng bức tranh nợ xấu có đổi màu khi các ông lớn như BIDV (BID), VietinBank (CTG)… và nhiều nhà băng khác chưa lộ diện?
Cát Lam