Vietstock - FTA và thế cờ mới của Việt Nam
Đầu năm 2017, việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo ra một cú sốc cho các nước tham gia vào hiệp định. Kế hoạch của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã bị xáo trộn khi trước đó đã có nhiều chuẩn bị cho việc tiếp cận thị trường của 11 nước còn lại. Ván cờ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam sẽ thế nào?
Sơ lược về các FTA của Việt Nam
FTA sớm nhất của Việt Nam là AFTA năm 1996, một năm sau khi gia nhập ASEAN, mà hiện nay được thay thế bằng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Kể từ năm 2001, Việt Nam đã tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, với việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, và thành công nhất là năm 2015 với việc ký kết bốn FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu (EEC), và TPP. Đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 FTA. Trong số này, có 10 FTA đã thực thi (sáu FTA trong số này với tư cách là thành viên ASEAN, bốn FTA còn lại với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, và EEC). Hai FTA đã kết thúc đàm phán là TPP và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Bốn FTA đang đàm phán là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN - Hồng Kông, FTA với Israel và với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).
Các FTA đã góp phần tích cực trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và có nhiều cải cách về mặt chính sách, đặc biệt là thuế và thủ tục hành chính. Cụ thể, nghiên cứu của Barai et al. (2017) về FTA của Việt Nam cho thấy các FTA đã giúp Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, tăng tính cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào một số ít thị trường. Riêng về xuất khẩu, số liệu từ bảng 1 cho thấy Mỹ, EU và Trung Quốc lần lượt là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Các FTA giúp thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư FDI, đặc biệt các nhà đầu tư châu Á. Một phần là vì Việt Nam có một thị trường tiêu thụ với hơn 90 triệu dân, nhưng một phần cũng là vì Việt Nam là công xưởng để các công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản xuất hàng đi EU, Mỹ... bảng 2 cho thấy đứng đầu các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 7-2017, tổng giá trị vốn FDI đăng ký là 307.86 tỉ đô la Mỹ với 23,737 dự án. Có 59% tổng vốn đầu tư là ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.