Đại án Phạm Công Danh - giai đoạn 2
Vietstock - Đề nghị tuyên lãnh đạo BIDV không phạm tội
“Con người ai cũng phải sai, làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, chỉ có không làm là không sai mà thôi. Bị cáo không đủ khả năng, không có và không thể tham gia một cuộc chơi quá lớn như vậy”, nguyên Phó Giám đốc BIDV khẳng định và đề nghị HĐXX đánh giá đây là “cái lỗi chứ không phải cái tội”, là một tai nạn nghề nghiệp.
Phiên tranh tụng đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm bước sang phần bào chữa và tự bào chữa đối với nhóm từng là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID). Trong vụ án này, BIDV đã giải ngân 4,700 tỷ đồng cho 12 pháp nhân vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) theo đề án chuỗi liên kết 4 nhà. Đây đều là các công ty “ma” do Phạm Công Danh thành lập, lập khống hồ sơ vay vốn.
Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa VLXD và phối hợp để BIDV tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn vay nhưng các công ty không cung cấp với lý do chưa giao nhận hàng hóa. Thực tế, sau khi vay 4,700 tỷ đồng của BIDV, các công ty vay vốn đều không kinh doanh theo phương án vay nợ nên không có hóa đơn, chứng từ gì kinh doanh VLXD, hồ sơ vay vốn là khống hoàn toàn. Các công ty đã trả được một phần để lấy tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất. Số nợ còn lại, VNCB phải dùng tiền gửi trả thay cho 12 công ty mà VNCB bảo lãnh, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2,500 tỷ đồng (kết thúc vào ngày 05/5/2014).
Chi nhánh BIDV chi nhánh Gia Định trong vụ án này đã phê duyệt hồ sơ và giải ngân cho 3 công ty, bao gồm: Quang Đại (350 tỷ đồng), Phước Đại (390 tỷ đồng) và Phong Hiệp (430 tỷ đồng). Có một điều đặc biệt là các công ty khác đều có giám đốc là bảo vệ, nhân viên,… của Tập đoàn Thiên Thanh, không hề có mối liên hệ vào với ngân hàng VNCB thì riêng công ty Phong Hiệp lại do Trần Hiệp - Nhân viên hành chính của Tập đoàn Thiên Thanh, đồng thời là thành viên không điều hành của HĐQT VNCB làm Giám đốc. Chính “điều không may” này đã đẩy Hoàng Long Hà - Nguyên Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Gia Định (nay là Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Đô) và các cán bộ khác tại BIDV chi nhánh Gia Định phải “đứng ở đây” (trước HĐXX), theo lời của ông Hà.
Theo kết luận trong cáo trạng, bị cáo Hoàng Long Hà bị Viện kiểm sát truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong phần luận tội, ông bị tuyên phạt mức án 3 năm tù, hưởng án treo.
Các luật sư bào chữa ý thức được rằng Viện kiểm sát đã áp dụng những chính sách khoan hồng, giảm nhẹ khi tuyên án với bị cáo Hoàng Long Hà. Tuy nhiên, luật sư cho biết sẽ đi đến cùng để làm rõ các sai phạm không chính xác được áp cho bị cáo trong vụ án này. Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM), Viện kiểm sát chưa đảm bảo đủ căn cứ vững chắc để buộc tội Hoàng Long Hà và không đồng ý về mặt tội danh.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét về bối cảnh nhận hồ sơ, BIDV hội sở phê duyệt chủ trương cho vay vốn, còn BIDV chi nhánh Gia Định tiếp nhận hồ sơ là theo chỉ đạo hoàn toàn không chủ động, không có động cơ nào khác. Bên cạnh đó, bị cáo Hà cũng không thể nhận thức được ông Trần Hiệp trên vai trò Thành viên HĐQT VNCB và ông Trần Hiệp trên vai trò Giám đốc Phong Hiệp là một người. Bởi toàn bộ chữ ký liên quan đến Phong Hiệp là một mẫu chữ ký (bao gồm 33 mẫu chữ ký) và trên biên bản họp HĐQT VNCB (gồm 2 chữ ký) lại là một mẫu chữ ký khác. BIDV Gia Định trong trường hợp này cũng là cấp tín dụng cho một pháp nhân chứ không phải cho riêng cá nhân ông Trần Hiệp.
Ngoài ra, theo lời khai của bị cáo Phạm Công Danh trong phiên thẩm vấn ngày 15/01, ông Danh chưa từng nói với bất cứ ai tại BIDV về mục đích vay vốn là nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB, cũng như 12 công ty trên có liên quan đến ông.
Theo đó, luật sư cho rằng Hoàng Long Hà không có hành vi cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế với mục đích giúp sức cho Phạm Công Danh chiếm đoạt tiền, gây thất thoát cho VNCB và đề nghị HĐXX tuyên không phạm tội. Những cáo buộc của VKS về việc BIDV Gia Định cho Công ty Phong Hiệp vay là vi phạm Luật Tổ chức tín dụng là thiếu cơ sở, chưa đủ căn cứ và hoàn toàn khiên cưỡng.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Hoàng Long Hà đề nghị HĐXX xem xét chấp thuận lời bào chữa của luật sư và xem xét bối cảnh tiếp nhận hồ sơ. Hoàng Long Hà trần tình, ông cũng như các cán bộ BIDV thực hiện cho vay với Phong Hiệp như tất cả các khoản vay bình thường khác. Ông thừa nhận trong việc thẩm định có sai sót, nhưng xin HĐXX xem xét sai sót này có tính hệ thống không, có lặp đi lặp lại, có cố tình lợi dụng kẽ hở pháp luật để mà sai sót hay không.
“Con người ai cũng phải sai, làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, chỉ có không làm là không sai mà thôi. Bị cáo không đủ khả năng, không có và không thể tham gia một cuộc chơi quá lớn như vậy”, ông Hà khẳng định. Đồng thời cũng đề nghị HĐXX đánh giá đây là “cái lỗi chứ không phải cái tội”, là một tai nạn nghề nghiệp vì ông không vi phạm quy định cho vay và đã thu hồi hết nợ.
Nói rõ hơn về tai nạn nghề nghiệp, bị cáo Hoàng Long Hà cho rằng mình “không may”, tai nạn đầu tiên là từ việc phân chia hồ sơ của 2 công ty thì không may mắn là hồ sơ của Phong Hiệp lại về BIDV Gia Định. Tai nạn thứ hai là Phạm Công Danh thành lập 11 doanh nghiệp, doanh nghiệp nào cũng khống, cái gì cũng khống thì đến Phong Hiệp lại “nửa giả nửa thật”. Được biết, trong số 12 công ty vay vốn, có đến 11 giám đốc “ma” không có bằng cấp, còn ông Trần Hiệp là người duy nhất có bằng đại học và ông là Thành viên HĐQT của VNCB. VNCB còn có một thành viên HĐQT nữa là bà Vũ Thị Bạch Yến có bằng đại học luật và lẽ ra tham gia đứng tên vào hồ sơ vay vốn, nhưng đến thời điểm lập hồ sơ thì bà này lại nghỉ sinh.
Tương tự, các luật sư bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn - nguyên Trưởng Phòng khách hàng 1 và Nguyễn Vũ Bảo - nguyên chuyên viên Phòng khách hàng 1 của BIDV Chi nhánh Gia Định cũng đề nghị HĐXX tuyên không là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh và phạm tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng…
Thu Phong