Vietstock - Dự trữ ngoại hối đã ở mức an toàn?
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng mạnh mẽ gần đây sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tích cực mua ngoại tệ từ các ngân hàng vào, giúp niềm tin tăng lên tạo cơ sở để tỷ giá tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, kho dự trữ ngoại hối hiện nay đã đủ mức độ an toàn?
Tăng vọt trong thời gian ngắn
Nếu như trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng diễn ra vào tháng 10/2017, con số dự trữ ngoại hối được công bố là 45 tỷ USD, tăng 6 tỷ USD so với cuối 2016, thì chỉ 2 tháng sau đó đã tăng lên mức 52.5 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2017, tức tăng thêm đến 7.5 tỷ USD. Đáng lưu ý là chỉ riêng trong tháng 12, NHNN đã mua vào gần 6.5 tỷ USD, đặc biệt tập trung vào những ngày cuối năm.
Chưa dừng lại ở đó, kho “đạn dược” này của NHNN đã tiếp tục tăng thêm 6.5 tỷ USD trong vòng chưa đầy 1.5 tháng đầu năm nay, lên mức 59 tỷ USD, trong đó riêng tháng 1/2018 mua vào 3.5 tỷ USD và 8 ngày đầu của tháng 2 mua thêm 3 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng rưỡi qua thì NHNN đã mua vào thêm được 14 tỷ USD. Nếu so với số liệu vào cuối năm 2015, mức dự trữ ngoại hối hiện nay đã tăng mạnh hơn 2 lần.
Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho việc dự trữ ngoại hối tăng chóng mặt trong giai đoạn gần đây, đầu tiên là việc thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước cho các đối tác ngoại diễn ra suôn sẻ với mức giá cao đã giúp nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động này khá lớn. Cụ thể vào cuối tháng 12/2017, Chính phủ đã thu được gần 5 tỷ USD từ thương vụ bán 53.59% cổ phần tại Sabeco (SAB), trước đó cũng đã thu về 400 triệu USD từ việc thoái vốn Vinamilk (VNM), ngoài ra còn thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp nhà nước khác.
Trong khi đó, các dòng ngoại tệ khác như vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, xuất khẩu và kiều hối tiếp tục tăng trưởng khả quan. Thống kê cho thấy nguồn vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm năm 2017 là 29.7 tỷ USD, tăng mạnh 44.2% so với năm 2016; trong đó nguồn vốn FDI giải ngân là 17.5 tỷ USD, tăng 10.8% so với năm 2016. Trong năm 2017 còn có 5,002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6.2 tỷ USD, tăng mạnh 45.1% so với năm 2016.
Hoạt động thương mại, xuất khẩu mang về gần 214 tỷ USD trong năm 2017, tăng mạnh 21.1% so với năm 2016 giúp xuất siêu hàng hóa đạt mốc 2.7 tỷ USD. Bên cạnh đó, dù có những dự báo bi quan về lượng kiều hối trong năm nay, tuy nhiên số liệu thống kê mới đây của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết lượng kiều hối về Việt Nam năm 2017 ước đạt 13.8 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2016 và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Rõ ràng, các dòng thu ngoại tệ chảy vào trong nước tăng trưởng ở mức tích cực là điều kiện cần để NHNN có thể gia tăng kho dự trữ ngoại hối, còn điều kiện đủ là tỷ giá tiếp tục ổn định trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế suy yếu và dòng vốn ngoại tệ từ dân cư tiếp tục chuyển dịch sang VNĐ càng tạo cơ hội cho NHNN mua vào ngoại tệ với giá phải chăng.
Theo tiêu chí đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô dự trữ ngoại hối sẽ được tính bằng số tuần nhập khẩu, theo đó quy mô phải tương đương từ 12-14 tuần nhập khẩu thì quốc gia sẽ được coi là đủ dự trữ ngoại hối. Nếu theo giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2017 là 211.1 tỷ USD, thì quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay tương đương 14.5 tuần nhập khẩu, do đó được xem là đủ an toàn. |
Lợi ích khi dự trữ ngoại hối gia tăng
Lượng dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ giúp NHNN có nhiều dư địa và giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng, từ đó gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng như đại bộ phận dân chúng trong nước. Thống kê cho thấy tỷ giá trung tâm USD/VNĐ NHNN niêm yết chỉ tăng vỏn vẹn 1.2% cho cả năm 2017, thấp hơn mục tiêu đề ra là 2% dù trong năm phải đối mặt với thách thức 3 lần Fed tăng lãi suất. Trong hơn 1 tháng đầu năm nay, tỷ giá trung tâm hiện tại cũng tăng chưa tới 0.1%.
Rõ ràng khi thị trường ngoại hối ổn định sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tự tin tham gia, góp vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam do ít phải lo ngại về rủi ro tỷ giá, từ đó càng giúp thu hút được nguồn vốn ngoại tệ và giúp NHNN có thêm cơ hội tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối. Và lượng dự trữ ngoại hối tăng mạnh lại quay ngược giúp nhà điều hành có thêm công cụ, nguồn lực để ổn định tỷ giá khi cần thiết.
Dự trữ ngoại hối tăng lên cũng có thể giúp nâng cao xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai, khi khả năng trả nợ đã tăng lên đáng kể. Phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của Việt Nam trong tháng 1 đầu năm nay đã giảm thêm 7.37 điểm cơ bản xuống chỉ còn 113.77 điểm cơ bản, mức thấp trong giai đoạn gần đây. Điều này sẽ giúp Chính phủ giảm được chi phí vay vốn nếu có kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc NHNN mua vào ngoại tệ mạnh mẽ đồng thời bơm một lượng VNĐ tương ứng ra thị trường đã giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao, tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất vẫn khá ổn định trong giai đoạn thanh khoản thường chịu áp lực cuối năm. Vào cuối tháng 1/2018 vừa qua ngân hàng Vietcombank đã tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động đầu vào sau khi trước đó đã giảm lãi suất cho vay trong đầu tháng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu mức dự trữ ngoại hối dù tăng mạnh như trên nhưng đã đủ ở mức an toàn? Theo tiêu chí đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô dự trữ ngoại hối sẽ được tính bằng số tuần nhập khẩu, theo đó quy mô phải tương đương từ 12-14 tuần nhập khẩu thì quốc gia sẽ được coi là đủ dự trữ ngoại hối. Nếu theo giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2017 là 211.1 tỷ USD, thì quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay tương đương 14.5 tuần nhập khẩu, do đó được xem là đủ an toàn trong thời điểm hiện nay.
Phan Thụy