Vietstock - Doanh nghiệp nội và ngoại có thể "tay trong tay đi về phía trước"?
Định hướng phát triển trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành những doanh nghiệp hùng mạnh, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Bức tranh về các dòng vốn quốc tế
Có nhiều ý kiến cho rằng, không có chuyện các tập đoàn công nghiệp xuyên quốc gia cùng các doanh nghiệp bản địa “tay trong tay tiến về phía trước”, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.
|
Từ năm 1995 khi có Nghị quyết của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cho đến nay, tỷ trọng công nghiệp chế biến và chế tạo trong GDP (loại trù xây dựng và khai khoáng) thay đổi không đáng kể, năm 1995 đạt khoảng 15%, đến năm 2015 cũng chỉ đạt 14%. Chưa kể trong công nghiệp chế biến, chế tạo, tỷ trọng của doanh nghiệp FDI luôn chiếm phần lớn (hơn 50%). Từ năm 2015, Việt nam đưa thuế vào tính GDP nên không so sánh được dữ liệu gần đây.
Đáng lưu ý là thực trạng này khiến người lao động Việt Nam khó kiếm được việc làm. Theo thống kê trong khoảng 10 năm 1995-2015, Việt Nam đã tạo ra khoảng 30 triệu lao động nhưng công nghiệp chỉ thu hút được xấp xỉ 25%, phần lao động, còn lại đều đi vào khu vực dịch vụ.
Trên thực tế, Việt Nam chưa có một nền công nghiệp trên nền tảng công nghiệp chế tạo như thép chế tạo cao cấp, thiết bị năng lượng (tua bin nhiệt, tua bin gió...) công nghiệp đóng tàu, công nghiệp đầu máy toa xe, công nghiệp thiết bị xây dựng, thiết bị nông nghiệp, sản xuất ô tô, phân bón, giấy đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và lại càng không có những sản phẩm loại này được xuất khẩu ra thế giới.
Việt Nam không phải thoái nông nghiệp để công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà là thoái nông nghiệp để dịch vụ hoá. Vì vậy, Việt Nam cần tìm kiếm lối đi riêng để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo và đẩy mạnh hơn nữa chiến lược phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng, mới có thể tiếp cận được xu thế công nghiệp mới 4.0.
Trong khi đó, cục diện chính trị toàn cầu, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ mậu dịch đang tạo ra những thay đổi lớn của các dòng vốn quốc tế.
Các chính sách của Tổng thống Trump như cắt giảm mạnh thuế suất và đơn giản hoá các sắc thuế, khiến Mỹ trở thành một trong những nươc hấp dẫn nhất thế giới hiện nay về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chính sách tăng lãi suất sẽ tạo xu thế tăng giá USD chắc chắn cũng có tác dụng thu hút mạnh dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Mỹ. Vốn Mỹ như một hệ quả, sẽ ít có động lực và xu hướng chảy ra khỏi chính quốc.
Vốn đầu tư từ EU và Nhật Bản vào các nước mới nổi cũng bị hạn chế một phần do hai khu vực này sẽ tăng đầu tư vào Mỹ. Mặt khác, các cơ quan giám sát tài chính của họ cũng quản lý cẩn trọng hơn các dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bố cảnh xu hướng thặt chặt tiền tệ đang gia tăng.
Các dòng vốn châu Á lại có nhu cầu mở rộng không gian tìm kiểm lợi nhuận, trong đó nổi lên Trung Quốc với tiềm lực mạnh về dự trữ ngoại tế. Từ đầu năm 2018, Trung Quốc có dấu hiệu nới lỏng kiểm soát vốn đầu tư quốc tế. Họ đang hướng vào khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực có chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường đông dân cư và nhu cầu vốn lớn, đặc biệt là Việt Nam.
Xây dựng nền công nghiệp: Trông người...
Cốt lõi của công nghiệp hoá là công nghiệp chế tạo, từ chế tạo máy đến thiết bị điện tử và trí tuệ nhân tạo.
Lịch sử kinh tế thế giới đã chứng minh các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Ý đi lên công nghiệp hiện đại đều bằng bảo hộ. Khi đạt trình độ rất cao rồi, họ lại chủ trương hô hào tự hoá thương mại. Những nước thành công trong xây dựng nền công nghiệp nội địa như đã kể trên đã có cách đi riêng của mình và hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước phát triển và lớn mạnh dựa trên công nghệ và sáng tạo.
Tại khu vực châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã thành công về công nghiệp hoá, còn hầu hết đều thất bại, kể cả các nền kinh tế phát triển nhất trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Đã có những nhận xét từ giới chuyên gia kinh tế thế giới rằng, nền công nghiệp của Đông Nam Á bị nước ngoài lũng đoạn (ngoại trừ Singapore và Việt Nam không thuộc đối tượng nghiên cứu).
Một lãnh đạo ở một nước Đông Nam Á đã chua chát thốt lên: “Cơ hội công nghiệp hoá cho các nền kinh tế Đông Nam Á đã bị bỏ lỡ không thể lấy lại được”.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, nguồn vốn nước ngoài thu hút được cần phải được sử dụng chủ yếu cho phát triển sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ mới mà doanh nghiệp Hàn Quốc cần làm chủ và sáng tạo. Đây là yêu cầu khắt khe và nghiêm túc mà Hàn Quốc đã đặt ra cho các doanh nghiệp của họ trong quá trình phát triển công nghiệp hiện đại bằng các nguồn vốn vay, vốn đầu tư từ nước ngoài.
Hàn Quốc cũng đặt ra kỷ luật xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp chế tạo được nhà nước hỗ trợ tài chính.
Một nhà phân tích tài chính quốc tế đã từng nói: “Nợ nước ngoài nếu không được sử dụng để học hỏi, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ thì có thể sẽ là một thảm hoạ”. Tương tự, tăng trưởng kinh tế dựa vào FDI mà không có chuyển giao công nghệ, người bản địa không học hỏi và làm chủ được công nghệ sẽ không bền vững.
... Ngẫm ta
Có thể Việt Nam gặp may khi đi vào dịch vụ, xu thế của thế giới, nhưng muốn nền kinh tế hùng cường, buộc chúng ta phải có một nền công nghiệp chế tạo kiểu mới theo hướng điện tử, điện toán tiệm cận công nghệ 4.0.
Tại cuộc đối thoại với các nhà đầu tư mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế là phát triển khu vực kinh tế tư nhân, gắn với sự phát triển của khu vực FDI sẽ là con đường đi không thể nào khác của Việt Nam trong thời gian tới.
Muốn vậy, Việt Nam phải phát triển được những doanh nghiệp tư nhân lớn trong khu vực công nghiệp và dịch vụ có khả năng cạnh tranh quốc tế. Chúng ta vừa phải nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, vừa phải chú ý phát triển những doanh nghiệp lớn, nhất là đi vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin và các dịch vụ then chốt như dịch vụ tài chính. Có như vậy, phát triển kinh tế tư nhân mới trở thành động lực.
Khu vực tư nhân hiện nay của Việt Nam phần lớn là lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Một số doanh nghiệp đã đi vào khu vực chế tạo như Thaco, Vingroup sản xuất, lắp ráp ô tô, Geleximco sản xuất năng lượng, giấy, xi măng... Đây có thể coi là những manh nha của một nền công nghiệp nhưng thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào những tiến bộ công nghệ mà họ đạt được cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong bối cảnh chúng ta đã mở toang cánh cửa thị trường, buộc doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh với những “sói già” quốc tế. Về công nghệ, đây cũng có thể coi là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong tiến trình trở thành những doanh nghiệp hùng mạnh có vai trò là động lực của nền kinh tế để tham gia vào chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII vừa mới đề cập.
Cũng cần lưu ý là Việt Nam đã vượt qua ngưỡng quốc gia có thu nhập bình quân đầu người 2000 USD vào năm 2014. Hầu hết các nước trên thế giới sau khi đạt ngưỡng này đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần. Chỉ có Trung Quốc và Hàn Quốc là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với trước năm 2014 như Hàn Quốc và Trung Quốc thì phải dựng được một chiến lược tăng trưởng dựa chủ yếu vào tiến bộ công nghệ và cạnh tranh quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ chúng ta phải phát triển công nghiệp chế tạo trên nền tảng vốn vay, vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng doanh nghiệp phải thông qua đó học hỏi, sáng tạo và làm chủ được công nghệ.
Ở tầm vĩ mô, có lẽ rất cần có chiến lược thông minh và nhất quán để thu hút các nguồn vốn, tận dụng các thị trường xuất khẩu tiềm năng vì mục tiêu quốc gia, trên cơ sở hợp tác và cạnh tranh bình đẳng, cùng có lợi.
Nguồn vốn thu hút được cần phải được sử dụng chủ yếu cho phát triển sản xuất dự trên nền tảng công nghệ mới mà người Việt Nam cần làm chủ và sáng tạo.
Về phần mình, doanh nghiệp Việt Nam phải rèn luyện được năng lực sáng tạo, làm chủ công nghệ của mình, chứ không phải lệ thuộc vào các nguồn vốn.
Nguồn vốn là thứ để chúng ta tận dụng, tận dụng phải sáng tạo. Nếu chúng ta không chủ động đầu tư, dám nghĩ, dám làm, chỉ ngồi trông đợi vào các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ tự nguyện thì sẽ chỉ là một mơ tưởng hão huyền. Nhiều chuyên gia phân tích về công nghiệp cũng đã đưa ra kết luận: “Không có chuyện các tập đoàn công nghiệp xuyên quốc gia cùng các doanh nghiệp bản địa “tay trong tay tiến về phía trước”, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ”.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia