17 công ty báo lỗ, ngành chứng khoán lộ rõ sự phân hóa
Vietstock - Đầu tư vào kinh tế tuần hoàn ở Đông Nam Á
Đông Nam Á (ĐNÁ) là vùng đất sôi động với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng qua nhiều thập kỷ, đang đứng trước ngã rẽ môi trường đầy thách thức. Từ lượng chất thải khổng lồ chưa được xử lý, tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đến những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống dựa trên nguyên tắc "khai thác - sản xuất - thải bỏ" đã cho thấy những hạn chế không thể phủ nhận.
Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn (KTTH) như ngọn hải đăng đầy hy vọng, mang lại giải pháp tiềm năng cho những vấn đề môi trường cấp bách, mở ra những cơ hội đầu tư mới cho ĐNÁ.
Động lực thúc đẩy chuyển đổi KTTH
Dân số và tăng trưởng kinh tế của khu vực ĐNÁ là những động lực chính, với dự báo sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lần lượt là 0.5% và 3.8% đến năm 2050. Sự phát triển này tạo áp lực đáng kể lên tài nguyên, môi trường trong khu vực. Đáng chú ý, mức sử dụng tài nguyên bình quân đầu người dự kiến tăng khoảng 2% hàng năm đến năm 2060, làm trầm trọng thêm các vấn đề về tính bền vững[1].
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc vào đầu năm 2025, trong kịch bản kinh doanh thông thường, việc khai thác vật liệu dự kiến sẽ tăng 60% vào năm 2060, tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu nỗ lực toàn cầu trong việc giảm thiểu tác động môi trường[2]. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia ĐNÁ, khi khu vực này đã trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu và đồng thời là nơi xử lý chất thải của nhiều nước phát triển.
Donald Kanak, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN (EU-ABC) và Eastspring Investments, nhấn mạnh: "Mô hình KTTH cung cấp nền tảng cho khả năng phục hồi, sự chuẩn bị và tính cạnh tranh, mang lại lợi ích quan trọng cho cả nền kinh tế và môi trường ở tất cả các cấp độ. Đây sẽ là yếu tố then chốt trong việc giải quyết các biến chứng môi trường phát sinh từ biến đổi khí hậu, lượng chất thải ngày càng tăng do nền kinh tế và dân số ĐNÁ đang phát triển nhanh chóng".[3]
Báo cáo từ Viện Chính sách Công ĐNÁ chỉ ra mô hình KTTH giúp bảo vệ môi trường, mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các quốc gia ĐNÁ. Việc áp dụng cách tiếp cận tuần hoàn có thể giảm chi phí sản xuất, tăng thương mại và đầu tư với các đối tác thương mại cùng chí hướng như Liên minh Châu Âu[4].
Một nghiên cứu của ESBN công bố vào quý 1/2024 đã xác định 6 yếu tố chính thúc đẩy KTTH ở châu Á-Thái Bình Dương: cơ sở hạ tầng, quy định, giáo dục, tài chính, đổi mới và hợp tác. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và công nghệ đầy đủ là điều cần thiết để hỗ trợ các hoạt động tuần hoàn như phân loại chất thải, tái chế và thu hồi tài nguyên. Các nền tảng kỹ thuật số tạo điều kiện trao đổi vật liệu có thể tái chế; các hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, như những mô hình đã được triển khai tại Trung Quốc và Hàn Quốc, có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ tái chế[5].
Tỷ lệ tái chế chất thải tổng thể trong các quốc gia ASEAN hiện chỉ đạt 2.5% và tỷ lệ tuần hoàn chỉ là 0.8%[6].
Lĩnh vực đầu tư chiến lược
Đầu tư vào phát triển KTTH ở ĐNÁ đang tập trung vào một số lĩnh vực chiến lược có tiềm năng tăng trưởng cao, từ dệt may bền vững đến quản lý chất thải và công nghệ 4.0.
Đơn cử như Syre (Thụy Điển) - công ty con của H&M lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để xây khu phức hợp sản xuất vải công nghệ cao tại Bình Định, Việt Nam. Dự án nhằm mục đích biến tỉnh này thành trung tâm toàn cầu về sản xuất dệt may tuần hoàn, với công suất ước tính 250,000 tấn/năm. Ông Tim King - Giám đốc Điều hành cấp cao tại Syre, khẳng định, hiện nay tập đoàn cam kết tích hợp các công nghệ tiên tiến vào dự án tái chế sợi polyester, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu, đồng thời tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam[7].
Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), Big Data, Blockchain và robotics đã chứng minh hiệu quả trong việc thúc đẩy mô hình KTTH trong nhiều ngành công nghiệp. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhận định rằng các công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 có thể mở khóa tiềm năng của KTTH và cuối cùng khôi phục chu kỳ tự nhiên. Việc áp dụng mô hình KTTH cũng tạo cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt là cho các công ty khởi nghiệp công nghệ[8].
Quản lý chất thải và tái chế đang trở thành lĩnh vực đầu tư được quan tâm. Rác thải điện tử là một trong những dòng chất thải phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, với ý nghĩa đặc biệt đối với các nước thu nhập thấp và trung bình ở ĐN Á. Theo nghiên cứu từ ERIA, rác thải điện tử toàn cầu chứa hơn 57 tỷ USD vật liệu có thể thu hồi hàng năm, nhưng các phương pháp xử lý không hiệu quả hoặc không chính thức ở ĐNÁ dẫn đến lãng phí đáng kể[9].
Quản lý rác thải nhựa cũng là một lĩnh vực đầu tư tiềm năng. Thị trường nhựa ĐNÁ dự kiến tăng từ 30.48 triệu tấn vào năm 2024 lên 38.36 triệu tấn vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 4%. Với sự gia tăng này, các giải pháp quản lý rác thải nhựa theo hướng tuần hoàn trở nên ngày càng cần thiết. Tuyên bố của ASEAN về tuần hoàn nhựa đã thừa nhận tính cấp bách trong việc giải quyết tác hại của rác thải nhựa biển và ô nhiễm đối với phát triển bền vững, tạo động lực cho các khoản đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng tái chế và các công nghệ xử lý nhựa tiên tiến[10]pBody
Chính sách quốc gia và liên kết vùng
Malaysia gần đây công bố Kế hoạch tổng thể KTTH cho Chất thải rắn đầu tiên (2025-2035), dự kiến thực hiện các biện pháp như "Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất" (EPR), "Trả tiền khi bạn vứt bỏ", và "Chứng nhận không chất thải ra bãi chôn lấp".
Chính phủ Malaysia có kế hoạch thực thi các yêu cầu này thông qua luật pháp, đồng thời dự định tăng số lượng nhà máy chuyển đổi chất thải thành năng lượng. Ngoài ra, họ cũng nhằm mục đích hỗ trợ việc thành lập một hiệp hội KTTH để giúp đạt được tỷ lệ tái chế quốc gia 40% vào năm 2025. Bộ trưởng Nga Kor Ming tuyên bố: "Để phát triển KTTH, chúng ta phải hành động ngay lập tức và nghiêm túc để giải quyết vấn đề ô nhiễm, mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu"[11].
Philippines thực hiện Đạo luật Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) năm 2022, sửa đổi Đạo luật Quản lý Chất thải Rắn Sinh thái năm 2000. Mục đích của đạo luật là thể chế hóa cơ chế EPR như một cách tiếp cận thực tế để quản lý chất thải hiệu quả. Theo Đạo luật EPR và các quy định thực hiện, các doanh nghiệp lớn có tổng tài sản vượt quá 100 triệu PHP (HN:PHP) được xem là "doanh nghiệp bắt buộc" phải thực hiện các chương trình EPR[12].
Singapore cũng đang cập nhật khuôn khổ pháp lý với Dự luật sửa đổi về Bền vững Tài nguyên, nhằm tăng cường quản lý chất thải và thúc đẩy các nguyên tắc KTTH. Luật sửa đổi này đặc biệt tập trung vào trách nhiệm của những người nắm giữ các vị trí bổ nhiệm chính trong các doanh nghiệp được cấp phép điều hành chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất[13].
Ở cấp khu vực, Diễn đàn Khu vực 3R và KTTH ở châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 12 đã thảo luận về một Tuyên bố 3R và KTTH mới (2025-2034). Tuyên bố này nhằm mục đích thúc đẩy những thay đổi trong chính sách, khuôn khổ thể chế, mô hình tài chính, cách tiếp cận quản lý dữ liệu và việc triển khai các công nghệ khác nhau hướng tới đạt được xã hội không rác thải[14]].
Các mục tiêu chính của Diễn đàn bao gồm: thúc đẩy các nguyên tắc KTTH; thảo luận các chính sách và thực hành KTTH để đạt các mục tiêu phát triển bền vững; tích hợp các chiến lược KTTH vào các chính sách quốc gia và khu vực nhằm giảm phát thải carbon; tăng cường hợp tác khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự; thảo luận về các thách thức và cơ hội trong việc giải quyết các nguyên tắc KTTH cho các ngành và dòng chất thải khác nhau[15].
Thách thức đối mặt
Mặc dù KTTH có tiềm năng phát triển lớn, nhưng quá trình chuyển đổi vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ được xem là một trong những hạn chế lớn nhất, hầu hết quốc gia chưa đầu tư đủ mạng lưới thu gom, phân loại, tái chế chất thải.
Gobi Partners lưu ý rằng có đến 53% tổng lượng rác thải tại ĐNÁ không được thu gom mỗi năm, và trong phần đã thu gom chỉ dưới 25% được tái chế[16]. Điều này phản ánh sự thiếu hụt về hệ thống thu gom, phân loại và xử lý chất thải hiện đại, khiến nguồn lực bị lãng phí, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng số và các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, Big Data, blockchain… còn ở mức thấp so với tiềm năng, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Khung pháp lý và chính sách chưa đồng bộ cũng là rào cản lớn. Mặc dù một số quốc gia như Malaysia, Philippines, Singapore đã ban hành các chính sách cụ thể về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) hay luật quản lý chất thải, nhưng nhìn chung, các quy định còn thiếu sự phối hợp liên ngành, thiếu chế tài mạnh và còn khoảng trống trong quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, nhất là với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự thiếu nhất quán trong chính sách giữa các quốc gia ASEAN cũng làm giảm hiệu quả thúc đẩy KTTH trên toàn khu vực.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu và nguồn lực tài chính hạn chế là rào cản không nhỏ. Việc phát triển các dự án tuần hoàn đòi hỏi vốn lớn cho hạ tầng, công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn nhiều hạn chế.
Nhận thức xã hội và năng lực nguồn nhân lực về KTTH còn thấp. Nhiều doanh nghiệp và người dân chưa hiểu rõ lợi ích của mô hình này, dẫn đến tâm lý e ngại thay đổi, chưa sẵn sàng áp dụng các mô hình sản xuất, tiêu dùng mới. Việc chưa tích hợp các chương trình giáo dục, truyền thông về KTTH vào hệ thống giáo dục, truyền thông đại chúng làm giảm động lực chuyển đổi trong xã hội.
Cuối cùng, thách thức về thị trường và chuỗi cung ứng. Sản phẩm tái chế, tái sử dụng thường gặp khó khăn khi cạnh tranh về giá và chất lượng với sản phẩm truyền thống, trong khi hệ sinh thái hỗ trợ như thị trường nguyên liệu thứ cấp, logistics, tiêu chuẩn hóa… còn yếu. Một số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng truyền thống có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến tâm lý kháng cự hoặc thiếu động lực tham gia vào mô hình KTTH.
[1] [6] https://www.pwc.com/jp/en/knowledge/thoughtleadership/assets/pdf/circular-economy-report.pdf
[2] https://uncrd.un.org/sites/uncrd.un.org/files/12th-3r-ce_draft-concecpt-note_prov-programme_16jan2025.pdf
[3] [4] https://funan.com.vn/en/circular-economy-central-to-covid-19-recovery-and-long-term-growth-across-asean.412784
[5] https://repository.unescap.org/bitstream/handle/20.500.12870/7500/ESCAP-2024-RP-secrets-unlocking-next-frontier-circular-economy.pdf
[7] https://en.vietnamplus.vn/hm-plans-1-billion-usd-investment-to-turn-binh-dinh-into-a-circular-textile-hub-post310306.vnp
[8] https://www.eria.org/uploads/Integrative-Report-on-Implementation-of-the-Circular-Economy-in-ASEAN.pdf
[9] https://d-scholarship.pitt.edu/47241/1/Gilbert,%20M.%20MPH%20Essay%202024.pdf
[10] https://thediplomat.com/2025/04/aseans-position-in-plastic-treaty-negotiations-paper-tiger-plastic-dragon/
[11] https://www.reccessary.com/en/news/my-regulation/malaysia-waste-circular-economy
[12] https://www.bakermckenzie.com/-/media/restricted/qt/the-extended-producer-responsibility-act-of-2022.pdf
[13] https://www.parliament.gov.sg/docs/default-source/default-document-library/resource-sustainability(amendment)bill-4-20234893a1ee193e4bddb7d8091257f698c2.pdf
[14] [15] https://uncrd.un.org/sites/uncrd.un.org/files/12th-3r-ce_draft-concecpt-note_prov-programme_16jan2025.pdf
[16] https://gobicore.vc/southeast-asia-circular-economy-on-the-rise
Phạm Hoàng Phúc