Vietstock - Đại diện Tập đoàn TTC đề xuất Việt Nam nên xem xét cung cấp phiếu mua sắm cho người dân
Thay vì hỗ trợ tiền mặt cho người dân như Thái Lan, Malaysia, Philippines để kích thích tiêu dùng, đại diện Tập đoàn TTC đề xuất xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định.
Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân
Trình bày tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 4/10, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn TTC nhìn nhận, sự lãnh đạo quyết đoán và tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng cùng các cấp chính quyền, với các chính sách kịp thời và hiệu quả đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng mặc dù trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất thường.
Điều này đã thể hiện rõ rệt thông qua các chỉ số kinh tế đang dần lấy lại phong độ như trước đại dịch COVID-19, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai, hướng đến các mục tiêu lớn hơn cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Buổi gặp gỡ ngày hôm nay giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn, khi vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng được khẳng định trong việc cùng chung tay xây dựng nền kinh tế.
Cũng theo bà Ngọc, từ đầu năm 2024, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời và đúng đắn khi giảm thuế giá trị gia tăng, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất cho vay, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, cần có những chính sách "kích cầu tiêu dùng".
Một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự. Đối với Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định.
Những voucher này tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistic và các dịch vụ đi kèm được phát triển… sẽ thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân.
Bên cạnh đó, Luật các tổ chức tín dụng có những điều khoản cần xem lại như việc xác định chủ thể quản lý tài sản đảm bảo là bất động sản trong phát hành trái phiếu, do ngân hàng thương mại không còn được phép thực hiện vai trò này, trong khi Luật Đất đai cho phép tổ chức kinh tế nhận thế chấp, nhưng lại chưa có hướng dẫn thi hành, dẫn tới việc huy động trái phiếu có tài sản đảm bảo là bất động sản gặp khó trong việc xác định chủ thể nhận thế chấp.
Đại diện Tập đoàn TTC kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả.
Về thị trường vốn nên được xây dựng thành một kênh huy động vốn quan trọng hơn, đặc biệt cần khuyến khích sự đa dạng của các sản phẩm chứng khoán như viễn thông, công nghệ, năng lượng tái tạo và bán lẻ...
TTC kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu kinh tế xanh, tài chính xanh, cần có chính sách khuyến khích việc phát triển chỉ số ETF chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn ESG quốc tế, vừa để nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn cơ hội đầu tư - gia tăng hấp thụ nguồn vốn ngoại cho thị trường vốn Việt Nam, vừa khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo chuẩn ESG quốc tế hướng đến bền vững.
Còn về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế theo bà Ngọc là rất cần thiết và đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bởi Việt Nam có tiềm năng lớn về dân số và sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính trong nước, lợi thế về múi giờ đối với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới hiện hữu.
Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng đóng góp tỷ trọng lớn về nguồn vốn bền vững bên cạnh thị trường tiền tệ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao vị thế Việt Nam. Đây là những lợi thế hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực, thu hút các nhà đầu tư lớn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường vốn.
Đại diện TTC cũng đề nghị Chính phủ xem xét các chính sách đột phá tạo môi trường cởi mở cho các nhà đầu tư, kiến nghị xác định khu vực có đủ tiềm năng, thế mạnh, sự độc bản như môi trường trong xanh - phát triển được kinh tế xanh; cơ sở hạ tầng tốt - phát triển được kinh tế số; quỹ đất còn nhiều dư địa - quy hoạch bài bản và hiện đại... để thu hút nhiều nhà đầu tư vốn lớn đến và đầu tư. Dựa trên cơ sở đó, đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế mang đậm bản sắc Việt Nam, kêu gọi sự đồng lòng góp sức từ các doanh nghiệp tư nhân để hợp lực hoàn thiện hệ sinh thái tài chính.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kích cầu kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19
Bà Nguyễn Thị Phương: Masan (HM:MSN) đã tiên phong trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào các hoạt động kinh doanh - Ảnh VGP/Nhật Bắc
|
Phát biểu tại buổi gặp mặt Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce - Thành viên Tập đoàn Masan đánh giá với nền kinh tế và chính trị ổn định, quy mô dân số hơn 100 triệu người, cơ cấu dân số vàng cùng với sự đổi mới, số hóa, công nghệ hóa mạnh mẽ, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển ngành bán lẻ.
Theo đó, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng, tăng 8.5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt 180 tỷ USD.
Là doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ có mạng lưới lớn nhất Việt Nam về quy mô với gần 4,000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mang thương hiệu WinMart và WinMart+ tại 62 tỉnh/thành phố trên khắp cả nước, chúng tôi thấy rằng các chính sách, chủ trương và hành động của Chính phủ đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ và quan trọng cho ngành bán lẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung, trong đó phải kể tới những hành động hỗ trợ mang tính ảnh hưởng lớn của Chính phủ như:
Sự chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ nguồn lực của Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ nhằm tập trung đầu tư cao cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược trên khắp đất nước, đặc biệt là việc hoàn thiện hạ tầng giao thông với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Với sự hỗ trợ từ hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là mạng lưới đường cao tốc sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển, giảm chi phí logistics và nâng cao tính cạnh tranh. Chuỗi cung ứng hiệu quả này không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định mà còn giúp giảm bớt gánh nặng chi phí vận chuyển lên hàng hóa, giúp mang sản phẩm chất lượng cao và chi phí hợp lý đến tay người tiêu dùng.
Sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ đối với vấn đề phát triển hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ tiên tiến và ưu tiên cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thiết kế nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển công nghệ và các ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ cao đã giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thanh toán điện tử, thương mại điện tử và phát triển các hệ sinh thái tài chính, làm thay đổi hành vi người tiêu dùng theo chiều hướng tích cực và tạo ra thay đổi chung đối với cục diện của ngành bán lẻ, tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng kèm theo nhiều cơ hội lớn cho ngành bán lẻ.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kích cầu kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19 như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế phí, đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT cho ngành hàng dịch vụ tiêu dùng đã mang tới sự hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Các chủ trương, đường lối sáng suốt của Đảng, Nhà nước và các Nghị quyết, chính sách phát triển kinh tế xã hội đúng đắn và kịp thời này của Chính phủ đã tạo ra đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thị trường trong năm 2024. Cụ thể: tổng mức bán lẻ dịch vụ của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đã đạt mức tăng trưởng 8.5%. Đây là điểm sáng trong tăng trưởng chung của cả nền kinh tế và góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam.
Song song với cơ hội phát triển, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức đáng kể. Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức, áp lực lớn về thị phần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ FDI và mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới với ưu thế về giá thành rẻ, chuyển phát nhanh, hệ thống kho bãi, logistic... Những điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Tập Đoàn Masan - WinCommerce nói riêng về việc triển khai các kế hoạch hành động mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng và nắm bắt xu hướng ngành để tận dụng lợi thế, tạo ra giá trị cạnh tranh.
Lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế bằng việc duy trì tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hàng năm.
Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trưởng tốt, tuy nhiên, tỷ lệ bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTG nhằm đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp theo từng giai đoạn để thúc đẩy sự phát triển ngành bán lẻ, đến năm 2030 là tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước đạt khoảng 85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại cơ sở bán lẻ hiện đại đạt 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế.
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi rất mong các bộ, ban, ngành liên quan sớm hướng dẫn tổ chức triển khai cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các giải pháp chiến lược để đạt được mục tiêu chung: Phát triển thương mại hiện đại – tăng trưởng bền vững – tạo tiền đề vững chắc tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.
Nhật Quang