Vietstock - Cuộc tháo chạy của ông chủ thương hiệu karaoke Arirang
Từ thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, Arirang trở thành "lý do" kéo lùi hoạt động của Dịch vụ Phú Nhuận.
Biên bản họp thường niên năm 2019 của Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco, mã chứng khoán: MSC) - đơn vị sở hữu thương hiệu Arirang - cho biết sẽ đóng ngành nghề kinh doanh hàng điện tử, đồng thời thanh lý toàn bộ hàng tồn kho.
Từ cái tên đình đám trên thị trường, liên tiếp hai năm gần đây, Arirang trở thành gánh nặng với kết quả hoạt động thua lỗ, cùng hàng trăm tỷ đồng hàng tồn kho khó thanh lý. Năm 2014, hàng điện tử giúp Maseco có gần 700 tỷ đồng doanh thu với biên lợi nhuận gần 31%, nhưng bốn năm sau đó, lĩnh vực này đem về chưa tới 175 tỷ đồng doanh thu và báo lỗ hơn 50 tỷ đồng.
Bên trong một gian hàng đồ điện tử Arirang.
|
Dịch vụ Phú Nhuận, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa năm 2001 và niêm yết trên sàn chứng khoán đầu năm 2017. Hoạt động chính là sản xuất, bán buôn và bán lẻ sản phẩm, thiết bị linh kiện điện tử (trong đó chủ yếu là thiết bị karaoke Arirang); kinh doanh nông sản và bất động sản.
Không phải lĩnh vực mang lại doanh thu cao nhất, song hàng điện tử với thương hiệu Arirang luôn được nhắc tới đầu tiên trong các báo cáo của MSC. Arirang ngày nay không còn quá phổ biến, nhưng một thập kỷ trước, thương hiệu karaoke, loa kẹo kéo này gần như thống trị các phòng hát tại những thành phố lớn. Liên tiếp nhiều năm, mảng kinh doanh này đem về gần nghìn tỷ đồng doanh thu với lợi nhuận mỗi năm cả trăm tỷ đồng.
"Trong hơn 20 năm qua trên thị trường nội địa, Maseco luôn được biết đến là nhà sản xuất hàng đầu về máy karaoke", bản cáo bạch năm 2016 của công ty này viết. Năm 2014, hàng điện tử đem về cho doanh nghiệp này đạt gần 700 tỷ đồng doanh thu và 217 tỷ đồng lợi nhuận. Không phải lĩnh vực có doanh thu cao nhất nhưng biên lợi nhuận của ngành hàng này hơn gấp đôi lĩnh vực đứng thứ hai.
Tuy nhiên, càng về sau, thương hiệu Arirang càng tỏ ra "đuối sức" trên thị trường. Chữ "khó khăn", "sụt giảm" với lĩnh vực hàng điện tử xuất hiện lần đầu trong báo cáo năm 2017 và xuyên suốt trong những năm tiếp theo. Chậm cập nhật phần mềm, chương trình karaoke, trong khi các sản phẩm phần cứng dần lép vế trước những nhà sản xuất nội địa và những thương hiệu nước ngoài khiến Arirang hụt hơi trong cuộc đua thị phần.
"Doanh thu của lĩnh vực điện tử có sụt giảm nhiều so với những năm trước", báo cáo thường niên năm 2017 viết, nhưng vẫn khẳng định vị thế của Arirang là hàng đầu trong tiêu thụ sản phẩm âm thanh điện tử.
Đến báo cáo năm 2018, vế đầu giữ nguyên nhưng phần khẳng định phía sau đã không còn. Doanh số hàng điện tử sụt giảm đáng kể và được đánh giá là "không đạt hiệu quả kinh doanh". Công ty cũng cho biết đã nỗ lực để duy trì vị thế các sản phẩm nhưng không còn khẳng định Arirang là "thương hiệu giữ vị thế hàng đầu" như trước.
Năm 2018, Dịch vụ Phú Nhuận đạt 928 tỷ đồng tổng doanh thu nhưng do kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ ròng 164 tỷ đồng. Trong đó, riêng mảng hàng điện tử đứng đầu với kết quả kinh doanh âm hơn 50 tỷ đồng và tồn kho tới 175 tỷ đồng.
Báo cáo các cổ đông năm 2018, MSC thừa nhận: "Tình trạng tồn kho hàng điện tử giá trị cao, hàng hóa đã lạc hậu kỹ thuật, lỗi mốt, lỗi thời, chậm luân chuyển do không còn phù hợp với nhu cầu thị trường".
Sau nhiều năm liền đi xuống, cùng với vị thế không như xưa, công ty cho biết sẽ dừng mảng hàng điện tử, cùng với đó là thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp phân phối khu vực miền Bắc và miền Trung. Lĩnh vực này cũng dự kiến tiếp tục lỗ 50 tỷ đồng trước khi chính thức dừng hoạt động.
Dịch vụ Phú Nhuận không nêu rõ việc chuyển nhượng hay từ bỏ thương hiệu Arirang, tuy nhiên những động thái này đã cho thấy một phần cái kết của thương hiệu hàng điện tử karaoke đình đám một thời. Thời gian tới, MSC cho biết sẽ tập trung vào mảng kinh doanh bất động sản và kinh doanh ôtô, mục tiêu tái cơ cấu toàn bộ hoạt động để có lãi trở lại từ năm 2020.
Minh Sơn