Vietstock - Công bố Lệnh của Chủ tịch nước với 9 Luật và 1 pháp lệnh quan trọng
Luật Điện lực (sửa đổi) đã bổ sung quy định về tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
Chiều 20-12, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV thông qua.
Phát triển nguồn điện tái tạo trong kỷ nguyên mới
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài khi trình bày về Luật Điện lực (sửa đổi) khẳng định luật này sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của ngành điện hiện nay, đảm bảo an ninh năng lượng điện, hướng đến mục tiêu net zero và góp phần thúc đẩy ngành điện phát triển bền vững, hiệu quả.
Một nội dung hoàn toàn mới được quy định tại Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Trong đó, quy định về phát triển điện gió ngoài khơi đã được thiết kế khá đẩy đủ từ các khâu khảo sát dự án, chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi đến lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.
Ông Hoài cũng cho biết theo pháp luật về biển đảo hiện nay, các công trình ngoài 6 hải lý quản lý sẽ khác, còn các công trình trong phạm vi 6 hải lý hiện đang sử dụng công nghệ điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đều có tính toán đến sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nói các quy định về thị trường điện cạnh tranh đã được bổ sung. Ảnh: HTQ
|
Về điện mặt trời mái nhà, theo ông Hoài, quy định pháp luật tương đối rõ nhưng một số vấn đề mang tính chất kỹ thuật nhằm đảm bảo độ ổn định của hệ thống điện như tỉ lệ năng lượng tái tạo sẽ quy định tuỳ từng thời kỳ và phụ thuộc vào hạ tầng lưới điện Việt Nam.
“Nếu nguồn điện nền phát triển tốt thì chúng ta có dư địa để phát triển năng lượng tái tạo, còn nếu nguồn nền chậm và ít thì sẽ có giải pháp như pin lưu trữ để cân bằng hệ thống điện” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Về nội dung thị trường điện cạnh tranh và mua bán điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói luật đã bổ sung quy định về tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
Đồng thời, bổ sung phương pháp hướng dẫn và hình thức định giá đối với lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng; bổ sung cơ chế giá điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng.
Theo Thứ trưởng Hoài, Luật Điện lực còn đưa vào những nội dung cụ thể về điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực; điều khoản thi hành.
“Để đảm bảo Luật Điện lực được triển khai hiệu quả khi chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2025, Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện” - ông Hoài nhấn mạnh.
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Còn Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Tâm thông tin Luật “1 luật sửa 4 luật” trong đó có Luật Đầu tư được sửa đổi theo hướng phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ngoài ra còn áp dụng với dự án đầu tư xây dựng cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỉ đồng; dự án thuộc khu vực bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Luật Đầu tư cũng bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu thương mại tự do… theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Đáng chú ý, khi nhà đầu tư nộp hồ sơ vào các ngành nghề trên thì việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ được thực hiện trong thời gian 15 ngày.
“So với quy trình hiện tại, với thủ tục đầu tư đặc biệt, thời gian thực hiện dự án sẽ được rút ngắn khoảng 260 ngày. Đây là nội dung đột phá nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, thể hiện cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” - ông Tâm cho hay.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Tâm cho hay thủ tục đầu tư đặc biệt rút ngắn thời gian thực hiện dự án được 260 ngày. Ảnh: HTQ
|
Tinh thần đẩy mạnh phân cấp phân quyền cũng được thể hiện rõ trong sửa Luật Đầu tư công. Đồng thời, luật cũng được sửa theo phương châm thay đổi tư duy và phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ “quản lý” sang “quản lý cho kiến tạo phát triển” và “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cắt giảm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin - cho”.
Theo ông Tâm, các chính sách sửa đổi tại Luật là các vấn đề “đã chín”, “đã rõ”, thực sự quan trọng, thực sự cấp bách và điểm kiểm nghiệm trên thực tế, đặt ra yêu cầu phải thể chế hoá tại Luật.
Luật Đầu tư công mới cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao sự linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công. Luật cũng thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Chín luật và một pháp lệnh được công bố chiều 20-12 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Đầu tư công; Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật); Pháp lệnh chi phí tố tụng. |
CHÂN LUẬN