Vietstock - Cấu trúc kinh tế Việt Nam thông qua các bảng I.O
Bài viết này tóm tắt một số kết quả và nhận định ban đầu của nhóm tác giả về cấu trúc kinh tế Việt Nam gắn với vai trò của các ngành kinh tế trong giai đoạn 2007-2022 với hy vọng góp phần làm sáng tỏ thêm về bức tranh kinh tế trong giai đoạn hậu WTO, bằng việc sử dụng mô hình I.O (mô hình đầu vào - đầu ra).
Nghiên cứu sử dụng ba bảng I.O 2007, 2012 và 2022. Giả thiết rằng bảng I.O 2007 đại diện cho giai đoạn 2006-2011; bảng I.O 2012 đại diện cho giai đoạn 2012-2017 và bảng I.O 2022 đại diện giai đoạn 2018-2023.
Việc phân tích liên ngành (input - output analysis) về cơ bản không phải nhằm mục đích phục vụ việc báo cáo thành tích, một trong những điều quan trọng trong phân tích liên ngành là nhằm tìm ra những ngành có tầm quan trọng “tương đối” đối với nền kinh tế.
Sự lan tỏa về sản lượng
Nghiên cứu cho thấy, một cách tổng quát, cầu cuối cùng giai đoạn sau lan tỏa mạnh hơn giai đoạn trước, giai đoạn bảng I.O 2007 làm đại diện, một đơn vị tăng lên của cầu cuối cùng lan tỏa bình quân đến sản lượng là 1,66 đơn vị; giai đoạn bảng I.O 2012 và 2022 làm đại diện, sự lan tỏa này tăng lên tương ứng là 1,71 và 1,98. Trong đó, các ngành chăn nuôi, thủy sản và công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (chế biến thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, sản xuất sản phẩm từ gỗ, giấy) trong tất cả các giai đoạn từ 2007-2023 đều có chỉ số lan tỏa cao hơn mức bình quân của nền kinh tế.
Nghiên cứu cũng cho thấy độ nhạy của sản phẩm trồng trọt và ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cao hơn mức bình quân chung. Điều này hàm ý rằng nhu cầu về các sản phẩm này trong quá trình sản xuất của nền kinh tế là tương đối cao.
Ngành dệt may giai đoạn 2006-2011 có chỉ số lan tỏa cao hơn mức bình quân chung, nhưng đến giai đoạn 2012-2017 và 2015-2023 chỉ số này thấp hơn mức bình quân chung. Điều này phần nào có thể giải thích do, phải chăng, càng ngày nhóm ngành này càng mang tính gia công cao hơn.
Lưu ý rằng một ngành thực sự có tầm quan trọng tương đối trong nền kinh tế là ngành mà sản phẩm cuối cùng của ngành đó lan tỏa tới sản lượng các ngành còn lại ra sao. Thông qua chỉ số lan tỏa của sản phẩm cuối cùng của một ngành đến sản lượng của các ngành còn lại cho thấy, vẫn là các ngành chăn nuôi, thủy sản và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và thủy sản có độ lan tỏa cao hơn mức lan tỏa chung của nền kinh tế khá nhiều. Tuy chỉ số liên kết ngược (backward linkage) của các nhóm ngành này giai đoạn 2018-2023 tăng lên so với hai giai đoạn trước, nhưng chỉ số lan tỏa (power of dispersion) của các nhóm ngành này giảm đi nhanh chóng do chỉ số liên kết ngược của các ngành trong nền kinh tế tăng lên.
Lan tỏa đến giá trị tăng thêm
Trong phân tích liên ngành, nhân từ sản lượng, chỉ sự lan tỏa của 1 đơn vị cầu cuối cùng của mỗi ngành đến sản lượng của nền kinh tế, nhưng điều một quốc gia cần là giá trị tăng thêm (tổng giá trị tăng thêm = GDP). Trong nhiều trường hợp, lan tỏa từ cầu cuối cùng đến sản lượng cao nhưng lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp hoặc ngược lại.
Chẳng hạn nhóm ngành trồng trọt có chỉ số lan tỏa về sản lượng tương đối thấp hơn so với mức bình quân (tương ứng ba giai đoạn 2006-2011, 2012-2017 và 2018-2023 là 0,869; 0,902 và 0,905); nhưng chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm lại cao hơn mức bình quân (tương ứng ba giai đoạn 2006-2011, 2012-2017 và 2018-2023 là 1,081; 1,214 và 1,139). Nhóm ngành chăn nuôi và thủy sản lại có xu hướng ngược lại, độ lan tỏa đến sản lượng cao hơn mức bình quân chung ở cả ba giai đoạn, nhưng mức lan tỏa đến giá trị tăng thêm lại nhỏ hơn mức bình quân chung.
Đến giai đoạn 2018-2023 thì 1 đơn vị xuất khẩu lan tỏa đến sản lượng tăng lên 1,99 đơn vị nhưng lan tỏa đến giá trị tăng thêm giảm xuống còn 0,54 đơn vị. Điều này cho thấy sản phẩm xuất khẩu mang tính gia công ngày càng cao, phần nào do xuất khẩu của khu vực FDI chủ yếu sản xuất gia công lắp ráp ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. |
Một điều rất đáng lưu tâm là hầu hết các nhóm ngành dịch vụ có chỉ số lan tỏa đến sản lượng thấp, nhưng lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao hơn mức bình quân chung. Như vậy, chỉ có nhóm sản phẩm cuối cùng của ngành trồng trọt, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và nhóm ngành dịch vụ có độ lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế cao.
Về nhập khẩu
Nghiên cứu cho thấy hầu hết sản phẩm cuối cùng của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (trừ công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản) có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp, nhưng lan tỏa đến nhập khẩu rất cao. Điều này phần nào cho thấy sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mang nặng tính gia công, lắp ráp. Việc “phấn đấu” để tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP của nhóm ngành này cao có thể kìm hãm các nhóm ngành khác có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao và nhập khẩu thấp. Phải chăng đây là sự phân bổ ngược nguồn lực chính sách?
Phân tích cấu trúc kinh tế qua các bảng I.O tất cả các giai đoạn từ 2006-2023 cho thấy sản phẩm cuối cùng của ngành trồng trọt, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và nhóm ngành dịch vụ có độ lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế cao và lan tỏa đến nhập khẩu thấp. Những nhóm ngành này nên là những nhóm ngành chìa khóa của nền kinh tế, cần tập trung nguồn lực đặc biệt - nguồn lực chính sách - để nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Ảnh hưởng về xuất khẩu trong tổng cầu cuối cùng
Giai đoạn 2018-2023 xuất khẩu lan tỏa đến sản lượng và giá trị tăng thêm thấp nhất trong các yếu tố của cầu cuối cùng. Tính theo các giai đoạn 2006-2011, cứ 1 đơn vị xuất khẩu lan tỏa đến sản lượng 1,03 đơn vị và lan tỏa đến giá trị tăng thêm là 0,6 đơn vị; giai đoạn 2012-2017 cứ 1 đơn vị xuất khẩu lan tỏa đến sản lượng 1,76 đơn vị và lan tỏa đến giá trị tăng thêm là 0,56 đơn vị; đến giai đoạn 2018-2023 thì 1 đơn vị xuất khẩu lan tỏa đến sản lượng tăng lên 1,99 đơn vị nhưng lan tỏa đến giá trị tăng thêm giảm xuống còn 0,54 đơn vị.
Điều này cho thấy sản phẩm xuất khẩu mang tính gia công ngày càng cao, phần nào do xuất khẩu của khu vực FDI chủ yếu sản xuất gia công lắp ráp ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Năm 2006 tỷ lệ xuất khẩu của khu vực FDI chỉ là 53,2%, thì đến năm 2023 tỷ lệ này trên 74% (hình 1).
Kết luận
Bên cạnh nhiều thuận lợi, Việt Nam đối diện với nhiều thách thức trên con đường trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, gần hơn là trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Dựa vào một số kết quả nghiên cứu ban đầu, các nguyên lý phát triển và thực tiễn phát triển cùng bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội ở trong và ngoài nước, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau.
Một là, tập trung nghiên cứu xây dựng, lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp gắn với các ngành, xác định các ngành, lĩnh vực có lợi thế phát triển của Việt Nam để tập trung đầu tư.
Hai là, chú trọng cải thiện chất lượng chính sách, công tác xây dựng chính sách.
Ba là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu - phát triển (R&D) và cải thiện công nghệ để cải thiện năng suất lao động và nâng cao giá trị kinh tế.
Bốn là, cải cách và đầu tư mạnh mẽ vào ngành giáo dục và đào tạo, chú trọng công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, xây dựng văn hóa công nghiệp nhằm ươm mầm và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm là, cân bằng và giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa thị trường và Nhà nước; giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước; giữa các ngành ưu tiên và ngành khác, phụ trợ.
Khúc Văn Quý - Bùi Trinh (Tiến sĩ, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Tiến sĩ, trường Đại học FPT (HM:FPT))