Vietstock - 'Cần xác định Hải Phòng là trung tâm dịch vụ logistics'
TT - Nguyễn Duy Minh - tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - đưa ý kiến này tại hội nghị ngày 12-7.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (bìa phải) trao đổi với đại diện doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến hoạt động logistics tại Hải Phòng - Ảnh: TIẾN THẮNG
|
Ngày 12-7, tại TP Hải Phòng diễn ra hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, với sự tham dự của hơn 300 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, các tỉnh thành lân cận Hải Phòng và cơ quan quản lý nhà nước dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Công thương và TP Hải Phòng.
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. |
Logistics là "mạch máu" của nền kinh tế
Trao đổi bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định hiện nay TP Hải Phòng đã hội tụ đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", có thể tạo ra những đột biến để trở thành nơi trọng điểm về logistics của cả vùng, thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế của không chỉ thành phố này mà còn của cả nước.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nền kinh tế hiện tại có độ mở rất lớn, cùng cơ hội to lớn thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng hoạt động logistics không khác gì những "mạch máu" để cơ thể kinh tế phát triển. Hiện nay, Hải Phòng có một hệ thống hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ và thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, tạo tiền đề cho nền công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ.
Để giúp Hải Phòng tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công thương đang và sẽ tiếp tục làm tốt việc cải cách trong quản lý nhà nước.
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, cảng Hải Phòng sẽ được nâng cấp, hoàn thiện các trang thiết bị và xây dựng hai bên tại Đình Vũ để tàu 20.000 DWT có thể lưu thông, đưa năng lực thông quan lên tới 25 - 30 triệu tấn/năm.
Hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng sẽ là nơi được hưởng lợi nhờ vị trí chiến lược gần các quốc gia Đông Bắc Á và cơ sở hạ tầng giao thông đang ngày càng hoàn thiện.
Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, Hải Phòng được xác định là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh phía Bắc nước ta, và Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.
Vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - thẳng thắn nhìn nhận dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, hiện nay Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Ông Thành cho rằng hoạt động logistics của Hải Phòng hiện nay chủ yếu tập trung tại khâu vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng - vốn là một trong những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm doanh nghiệp phần lớn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đã gây ra nhiều bất cập như: cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả.
Chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ, xe đa phần chạy hàng một chiều), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp. Chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục, khiến tăng thêm về chi phí.
Theo ông Thành, hội nghị lần này chính là dịp để đánh giá, nhận thức đúng vai trò của dịch vụ logistics trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, làm sao để có thể phát huy lợi thế vị trí chiến lược của Hải Phòng, tăng cường kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và tạo ra sự lan tỏa trong khu vực.
Tàu hàng ra vào khu vực cảng Hải Phòng - Ảnh: TIẾN THẮNG
|
Ông Nguyễn Duy Minh - tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) - đưa ra khuyến nghị cần phải xác định rõ việc xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics vùng phía Bắc và cả nước, để phục vụ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối với vùng phía Nam Trung Quốc.
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Minh cho rằng cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho vùng trung tâm logistics phát triển với các chính sách khuyến khích như: giải phóng mặt bằng, miễn, giảm giá thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics. Giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm mà trong nước chưa sản xuất được.
Tiếp tục phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện với những quy hoạch cụ thể cho cầu cảng phục vụ chuyên chở vùng nội Á và cầu cảng chuyên chở hàng đi châu Âu, Mỹ, Úc. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt kết nối với cảng quốc tế Lạch Huyện và trung tâm dịch vụ sau cảng...
Ông Minh cũng cho rằng Hải Phòng cần nghiên cứu phát triển dịch vụ logistics kết nối với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc, để có nguồn hàng xuất nhập khẩu dồi dào vận chuyển bằng đường biển và đường bộ qua cảng Lạch Huyện, đi tiếp các nước ASEAN và thế giới thông qua dịch vụ vận tải xuyên biên giới, vận tải đa phương thức.
Hải Phòng được các đại biểu nhìn nhận có lợi thế lớn để có thể phát huy mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ logistics - Ảnh: TIẾN THẮNG
|
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp và cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm phát huy hơn nữa dịch vụ logistics tại Hải Phòng.
TIẾN THẮNG