Vietstock - Cách mạng tinh gọn bộ máy: Phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp
Các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban TWMTTQ Việt Nam phải hoàn tất phương án tổng thể việc sắp xếp bộ máy theo đúng Nghị quyết 18 - "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Mục tiêu kiện toàn bộ máy của các cơ quan Trung ương là trong quý 1/2025.
Đây sẽ là bước đi lịch sử, dù không phải mới và lần đầu sắp xếp, tái cấu trúc. Song, với tính chất, yêu cầu, quy mô, thời điểm thì việc hoàn thành sứ mệnh của cuộc cách mạng tinh-gọn này là điều kiện cốt yếu để cả hệ thống chính trị, từ cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận và các tổ chức thành viên đến Chính phủ và bộ máy Bộ, ngành chuyển đổi, tái cơ cấu cả về tổ chức, chức năng và nguồn nhân sự, đảm bảo cho tính vận hành khoa học, chặt chẽ, minh bạch đưa công cuộc phát triển đất nước vào kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Ảnh: TTXVN
|
Còn nhớ, khóa 9, nhiệm kỳ 1992 - 1997, Chính phủ có 36 bộ ngành. Đến khóa 10, nhiệm kỳ 1997 - 2002, Chính phủ có 48 đầu mối. Khóa 11, nhiệm kỳ 2002 - 2007, Chính phủ có 38 đầu mối gồm 26 bộ, cơ quan ngang bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ. Đến khóa 12, nhiệm kỳ 2007 - 2011, bộ máy Chính phủ được sắp xếp còn 30 đầu mối gồm: 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Cuộc sắp xếp, sáp nhập bộ, ngành vào giữa năm 2007 đã hình thành bộ máy Chính phủ theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực và giữ ổn định cho đến nay với 30 đầu mối gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Và đến năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2020-2025 này, việc sắp xếp, tinh gọn qua gợi ý, định hướng của Ban Tổ chức Trung ương vừa qua đã cho thấy một sự chuyển đổi toàn diện, tác động sâu sắc đến tính chất, năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, của từng bộ phận cấu thành và đương nhiên là con người - công vụ trong hoạt động của bộ máy ấy.
Vì việc triển khai Nghị quyết 18 được bắt đầu áp dụng từ Trung ương nên đây cũng là “thời gian vàng” cho các địa phương quan sát, theo dõi, nắm bắt đường hướng, nhất là những phát sinh để cùng nhau xắn tay giải quyết.
Trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian, nếu giải quyết “điểm nghẽn của điểm nghẽn” này, minh định chúng bằng hệ thống pháp lý chặt chẽ, thực thi nghiêm thì sẽ là điều kiện đủ cho quá trình khơi thông nguồn lực xã hội, mà thụ hưởng chúng không ai khác chính là doanh nghiệp, người dân.
Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, chống lãng phí; chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công…, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân…
Như vậy, mục tiêu của cuộc cách mạng tinh gọn này không ngoài phục vụ có hiệu quả, vận hành với hiệu năng cao, đạt kết quả với hiệu suất lớn mà đối tượng trung tâm chính là người dân và doanh nghiệp.
Khi bộ máy hành chính, dịch vụ công không còn cồng kềnh, chồng chéo, làm khó người dân, doanh nghiệp thì sức lao động, sáng tạo của từng cá thể doanh nhân cho đến tập thể doanh nghiệp được thông suốt, minh bạch, công bằng. Theo đó, nguồn thuế mà họ đóng góp để nuôi bộ máy Nhà nước được chứng minh là công tâm, hợp lý, xứng đáng, dẫn tới niềm tin, sự đồng thuận xã hội được gia cố, tăng cao.
Và điều này, trong xu thế tác động nhiều chiều cũng sẽ là bước sàng lọc hữu hiệu với hệ thống giáo dục, hướng nghiệp và thị trường lao động. Chắc chắn sẽ có sự lựa chọn học cái gì, chất lượng học ra sao, mục tiêu học ngành/nghề nào để đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó có việc làm trong bộ máy công sẽ ít nhiều được nhìn nhận đúng hơn, sát thực hơn.
Tất nhiên, tất cả đang còn ở phía trước. Và nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta cần một “phiên bản” cải tổ bộ máy mang tính thực chất, hiệu quả, hiệu lực. Vì xét đến cùng nó là thước đo tính ưu việt của một chính thể, một nhà nước với năng lực quản trị tốt, minh bạch, hiệu quả.
Quốc Học