Vietstock - Vi phạm xây dựng: Xử lý “hậu” thanh tra chưa nghiêm
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, đến nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã được cải thiện nhưng chưa bền vững. Một số dự án khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng; việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm túc.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng đã tổ chức 150 đợt kiểm tra đối với các công trình thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với Bộ Công an xây dựng quy chế phối hợp thực hiện lồng ghép thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy với thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác nghiệm thu công trình xây dựng và phòng cháy chữa cháy...
Sai phép chiếm tỷ lệ 12-13%
Bộ Xây dựng đánh giá, tình hình chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản được đảm bảo, sự cố công trình xây dựng, mất an toàn trong thi công xây dựng có xu hướng giảm...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: thời gian qua, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, tình trạng vi phạm trong xây dựng như xây dựng không phép, sai phép đã được xử lý quyết liệt nên tỉ lệ vi phạm đã giảm so với trước.
Tuy nhiên, vi phạm vẫn khá phổ biến, tính bình quân năm 2016, các công trình xây dựng sai phép chiếm khoảng 12-13%. “Giám sát của cộng đồng còn hạn chế, khâu thanh tra, kiểm tra có lúc không thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, xử lý một số vụ việc chưa kiên quyết, kịp thời, tạo tiền lệ nhất định cho vi phạm dẫn tới một số hệ lụy như ùn tắc giao thông, ngập lụt, sử dụng đất không hiệu quả, xây dựng sai phép...
Vẫn còn tình trạng có những vụ việc vi phạm nhưng chỉ khi báo chí, người dân phản ánh thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Có những vụ vi phạm đã xử lý nhưng mức độ không tương xứng nên gây bức xúc dư luận” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng, nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do giấy phép xây dựng được cấp nhưng không đúng với quy hoạch chi tiết được duyệt hay thiết kế đô thị của khu vực, hoặc cấp đúng nhưng chủ đầu tư cố tình vi phạm, cơ quan chức năng không thường xuyên thanh tra, có những sự việc phát hiện nhưng xử lý không triệt để...
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và Bộ Xây dựng để tập trung xử lý thanh tra cụ thể một số điểm.
Nhiều vi phạm phòng cháy chữa cháy
Một trong những vấn đề liên quan đến chất lượng công trình xây dựng được người dân đặc biệt quan tâm là tình trạng vi phạm phòng cháy chữa cháy diễn ra khá phổ biến tại các khu nhà tái định cư, chung cư bình dân đến chung cư cao cấp.
Thống kê tại Tp.HCM năm 2016 cho thấy: tỷ lệ chung cư chưa bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy chiếm đến 46,4% trong tổng số 682 chung cư hiện có trên toàn thành phố.
Tại Hà Nội, theo khảo sát của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, trong tổng số 759 công trình nhà chung cư cao tầng trên địa bàn, có 79 công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy. Tính đến 31/7/2017, mới có 14 công trình trong số 79 công trình vi phạm khắc phục các bất cập.
Nói về điều này, ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Bộ Xây dựng cho rằng trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư và cả người dân. Pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về nguyên tắc, thủ tục xây dựng các công trình nhà cao tầng.
Theo đó, điều kiện nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy là một nội dung không thể thiếu trong hồ sơ thiết kế, thi công và phải được cơ quan chức năng phê duyệt. Đến khi hoàn thành, các hạng mục phòng cháy chữa cháy của công trình như: hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, lối thoát hiểm... phải được kiểm tra, nghiệm thu.
Dự án chưa tuân thủ các điều kiện pháp luật về phòng cháy chữa cháy sẽ không được phép đưa vào sử dụng. Điều đó cho thấy cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm soát việc tuân thủ phòng cháy chữa cháy từ trước khi công trình triển khai xây dựng cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư từ khi khởi công đến khi hoàn thành dự án gần như không gửi báo cáo tới các cơ quan có thẩm quyền; Nhiều chung cư chưa được nghiệm thu về an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng chủ đầu tư vẫn cho các hộ dân vào ở.
Thậm chí có một số chung cư, dù dân cư đã về ở trong một thời gian dài nhưng công tác phòng cháy chữa cháy không được quan tâm, hay chỉ làm đối phó; nhiều chung cư có hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng không thể vận hành, thiết bị phòng cháy chữa cháy xuống cấp, không đầy đủ...
Trong quá trình vận hành sử dụng thì ở nhiều chung cư, người sử dụng không chú trọng đến công tác này, việc tập huấn phòng cháy chữa cháy tại các công trình cao ốc chỉ mang tính hình thức, qua loa, người dân vẫn còn chủ quan, ỷ lại...
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần rà soát điều chỉnh các quy định về pháp luật; xây dựng các quy chế phối hợp giữa Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về phòng cháy chữa cháy và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm..