Vietstock - Xây nhà sai phép: TP.HCM chỉ đạo xử nghiêm, sở xin cho tồn tại
Nhiều trường hợp xây dựng nhà sai phép tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã bị kéo dài thời gian xử lý, thậm chí có kiến nghị "hợp thức hóa" cho tồn tại.
Được xác định là có nhiều sai phạm nhưng các trường hợp xây dựng sai phép ở xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) đến nay vẫn chưa được xử lý - Đồ họa: N.KH.
|
Sở Xây dựng TP lại vừa kiến nghị UBND TP.HCM không tháo dỡ nhiều công trình xây dựng sai phép, sai phép tại xã Đa Phước dù UBND TP đã có chỉ đạo xử lý nghiêm từ tháng 3-2015 và sở cũng thừa nhận đa số công trình này không đáp ứng được quy định của pháp luật để tồn tại.
Sự chậm trễ, dằng dai trong thi hành chỉ đạo đã dẫn đến nhiều hệ lụy khi hàng trăm người dân đã mua bán giấy tay và vào ở trong các căn nhà sai phép tại Đa Phước.
11 giấy phép... xây 48 căn nhà
Sự việc được phanh phui từ đơn tố cáo của tập thể người dân ấp 2, xã Đa Phước về việc cán bộ xã bao che hành vi của bà Đặng Ngọc Hân, ông Đặng Hùng Cường và ông Dương Văn Hải phân lô xây dựng sai mật độ, chuyển nhượng sai quy định và trốn thuế.
UBND TP.HCM chỉ đạo Thanh tra TP xác minh và chỉ ra hàng loạt sai phạm trên diện tích vi phạm hơn 776,9m2, trong đó có gần 460m2 sai phép và 317m2 không phép với 17 công trình sai phép.
Các sai phạm gồm: tăng diện tích sàn xây dựng; xây ban công sai quy chuẩn, sau đó biến bancông thành hàng chục phòng riêng sai phép ở tầng hai, tầng ba.
Nghiêm trọng hơn, có 11 giấy phép xây dựng đã được chia nhỏ xây đến 48 căn nhà để bán cho nhiều chủ khác nhau. Trong đó, riêng giấy phép số 26/GPXD tháng 11-2014 cấp cho bà Đặng Ngọc Hân đã xây 2 căn nhà và chia nhỏ ra 12 căn để bán. Tổng cộng, riêng bà Hân đã chia nhỏ 10 căn nhà thành 39 căn.
Do không xử lý dứt điểm nên đến tháng 5-2017 đã có 131 nhân khẩu vào ở tại các căn nhà xây sai phép, được chia nhỏ này. Mặc dù xây dựng sai phạm nhưng nhiều căn nhà nhỏ vẫn có số nhà, một số công trình còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất (giấy chứng nhận).
Cụ thể, UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận cho bà Hân, sau đó cấp tiếp bốn giấy chứng nhận cho bốn người dân mua nhà của bà Hân và một giấy chứng nhận cho ông Cường.
Nghị định không cho, sở vẫn kiến nghị
Trong kết luận nội dung tố cáo ngày 16-3-2015, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra việc cấp phép, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, các công trình sai phép này vẫn tồn tại, tiếp tục được bán qua nhiều đời chủ mới.
Trong báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng gửi UBND TP.HCM vào tháng 5-2017, sở khẳng định nhiều công trình tại các thửa đất này có vi phạm xây dựng sau thời điểm nghị định 121/NĐ-CP (quy định việc xem xét cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng cho tồn tại với một số trường hợp xây dựng không phép, trước ngày 30-11- 2013) có hiệu lực, do đó không đủ điều kiện xem xét cho tồn tại.
Tuy nhiên, kèm theo nhận định này, Sở Xây dựng và UBND huyện Bình Chánh vẫn thống nhất đề xuất UBND TP.HCM áp dụng nghị định 121, không tháo dỡ, cho nộp lại số tiền bằng 40% giá trị xây sai phép để công trình được tồn tại.
Lý do, theo Sở Xây dựng, chủ đầu tư đã chuyển nhượng qua hình thức giấy tay cho nhiều hộ dân khác, công trình đã hoàn thành và các hộ dân đang sinh sống ổn định, nếu tháo dỡ sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đối với việc chia nhỏ một căn nhà thành nhiều căn, sở cho rằng các vi phạm này nằm bên trong, không ảnh hưởng đến mặt ngoài của công trình. Các công trình đã đưa vào sử dụng nhiều năm, nằm trong khuôn viên hợp pháp của chủ đầu tư, không có khiếu nại... nên cho tồn tại nhằm “đảm bảo đời sống của người dân, nhu cầu về chỗ ở, an sinh xã hội”.
Một trong những thửa đất tại ấp 2, xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM do bà Đặng Ngọc Hân làm chủ sở hữu, xin giấy phép xây dựng sau đó tách thành những căn nhà nhỏ để bán cho người dân - Ảnh: HỮU THUẬN
|
Dằng dai xử lý, nhà bán qua nhiều chủ
Sau gần 3 năm dằng dai, không thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, xóm nhà sai phép tại Đa Phước đã rất đông đúc. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến tháng 5-2017 đã có 131 nhân khẩu trú ngụ, mua nhà giấy tay và ở trên 4 thửa đất có các căn nhà sai phép bị chia nhỏ này.
“Chiêu thức” chia nhỏ rất đơn giản: từ một giấy phép được cấp với diện tích sàn xây dựng khoảng 90m2 quy mô một trệt, hai lầu, bà Hân chia nhỏ thành bốn căn, diện tích sàn khoảng 23m2/căn và bán cho người dân. Bằng cách này, bà Hân xây dựng một loạt nhà nhỏ trong thửa đất. |
Tại thửa đất hơn 1.000m2 ở số nhà B5/133/8, ấp 2, xã Đa Phước do bà Đặng Ngọc Hân đứng tên, UBND xã đã cấp bốn giấy phép xây dựng nhà ở vào năm 2012 và 2014, bà Hân tự ý chia tách thành 13 căn nhà nhỏ.
Toàn bộ nhà trong thửa đất này từ năm 2014 đã bán cho người dân vào ở ổn định, đến nay chưa ai được cấp giấy chứng nhận. Bà H. - người mua căn nhà có diện tích khoảng 23m2 - cho biết do đây là một trong bốn căn nhà được chia ra từ một căn, nên bà phải đứng tên đồng sở hữu cùng với ba người khác. Theo bà, mấy năm qua có căn đã bán giấy tay qua hai, ba đời chủ, hầu hết người mua nhà đều khó khăn.
Tương tự, ông P.P.Tr. đồng sở hữu nhà với bà H., là đời chủ thứ ba vì trước đó căn nhà đã được sang tay một lần. Gần đây, do thấy ở quá chật chội, ông Tr. có ý định bán lại cho người khác nhưng bị ép giá vì nhà không có giấy chứng nhận.
Khi được biết theo đúng quy định, các căn nhà này phải tháo dỡ phần vi phạm, người dân tỏ ra rất lo lắng. Bà H. cho rằng với kết cấu một nhà chia năm, chia sáu, nếu đập bỏ phần vi phạm sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, thậm chí nhà bị sập đổ.
“Dân nghèo nên mới mua nhà không giấy, giờ tháo dỡ vầy tụi tui phải tay trắng ra đi” - bà H. nói.
Phong tỏa tình trạng pháp lý các công trình sai phạm
Trong công văn chỉ đạo mới nhất cuối tháng 6-2017 về sai phạm xây dựng tại Đa Phước, UBND TP.HCM cho rằng việc “hợp thức hóa” các công trình xây dựng sai phạm mà nhân dân Bình Chánh tố cáo đã gây bất bình trong dư luận.
Sự việc đã được UBND TP.HCM thanh tra và kết luận chỉ đạo xử lý nghiêm. Hiện nay, UBND TP.HCM phải tiếp tục ra văn bản chỉ đạo vì UBND huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng lại có kiến nghị đề xuất theo hướng tiếp tục hợp thức hóa toàn bộ các công trình sai phạm.
Cũng liên quan đến sự việc này, tháng 5-2016 UBND TP.HCM từng “tuýt còi”, thu hồi công văn của UBND huyện Bình Chánh báo cáo UBND TP.HCM về việc cho tồn tại các công trình này.
Khi đó, dù chưa có ý kiến của chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhưng ông Huỳnh Văn Phạm Hồng - chánh văn phòng UBND huyện - vẫn ký thừa lệnh chủ tịch huyện công văn xử lý cho tồn tại đối với công trình xây dựng sai phép, không phép, vượt mật độ xây dựng.
UBND TP.HCM khẳng định đây là hành vi “có dấu hiệu bao che sai phạm” và chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về hành vi vượt quyền của ông Hồng.
UBND TP.HCM cũng tiếp tục khẳng định việc cho phép tồn tại các công trình sai phạm này tại Bình Chánh là không đúng quy định tại nghị định 121. Giao UBND huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng phong tỏa tình trạng pháp lý các công trình sai phạm và đề xuất biện pháp xử lý các công trình sai phạm.
Một công trình chủ đầu tư vi phạm về xây dựng nhưng chậm bị xử lý - Ảnh: HỮU THUẬN
|