Vietstock - Thời 'đổi vận' của những Fintech trung gian thanh toán
Nhiều thương vụ thâu tóm, mua cổ phần diễn ra với những Fintech trung gian thanh toán, mà bóng dáng phía sau là những "ông lớn" trong nhiều lĩnh vực.
Mới đây, hai thành viên lãnh đạo của Grab Việt Nam đã xuất hiện trong Hội đồng quản trị của Moca - một trong những Fintech trung gian thanh toán trên thị trường. Theo đăng ký kinh doanh của Công ty Công nghệ và Dịch vụ Moca, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch và ông Lim Yen Hock - Tổng giám đốc của Công ty Grab Việt Nam đã trở thành 2 trong 3 nhân sự trong Hội đồng quản trị của Moca, cùng với Tổng giám đốc công ty này là ông Trần Thanh Nam.
Cùng động thái này, theo DealstreetAsia, Grab Việt Nam cũng trở thành cổ đông của Moca khi mua lại cổ phần từ quỹ Access Venture SPV, một quỹ đầu tư của Hong Kong. Tỷ lệ sở hữu của ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Moca cũng giảm từ 41, 055% xuống 30, 34% trong một thông báo từ cuối tháng 5, thời điểm lãnh đạo Grab tham gia vào ban điều hành Moca.
Lãnh đạo Grab Việt Nam vừa tham gia vào Moca - một trung gian thanh toán được cấp phép cuối tháng 2/2016.
|
Moca, thực tế, chỉ là một trong những trường hợp Fintech trung gian thanh toán gần đây có sự xuất hiện của những cổ đông mới.
Cuối tháng 9/2017, DealstreetAsia dẫn nguồn tin cậy cho biết SEA (tên cũ Garena) - một trong những startup kỳ lân của Đông Nam Á, đã sở hữu 82% cổ phần của Foody và trở thành cổ đông của VNPay - một trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tháng 10/2015.
Trước đó cuối năm 2016, một thương vụ khác là UTC Investment của Hàn Quốc thâu tóm VNPT Epay - một trong những hệ thống cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, ví điện tử. Cùng năm này, Momo - ứng dụng di động về thanh toán cũng nhận khoản đầu tư 28 triệu USD trong vòng huy động vốn Series B từ Standard Chartered và Goldman Sachs.
Đằng sau những thương vụ này, đều có những toan tính riêng từ cả bên đầu tư và bên nhận góp vốn.
Khi Fintech bùng nổ trong 5 năm gần đây với những startup trong lĩnh vực trung gian thanh toán, giới chuyên gia từng gọi đây là "đối thủ đáng gờm của ngành ngân hàng". Tháng 3/2016, Công ty kiểm toán PwC công bố kết quả khảo sát cho biết 83% doanh nghiệp dịch vụ tài chính truyền thống cho rằng một phần hoạt động có khả năng rơi vào tay các công ty Fintech độc lập, tỷ lệ này với lĩnh vực ngân hàng lên tới 95%.
Trong một thị trường có dân số trẻ như Việt Nam, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và truy cập Internet tăng nhanh cùng với hạ tầng công nghệ thương mại điện tử đang được hiện đại hóa giúp Fintech trong lĩnh vực thanh toán có nhiều dư dịa phát triển. Và thực tế cũng chứng minh điều này không phải không có căn cứ. Quy mô khách hàng tăng trưởng với tốc độ phi mã cùng lượng giao dịch ngày càng lớn đã cho thấy tầm ảnh hưởng của những Fintech trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết Fintech đều lỗ. Hội thảo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối năm 2017, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết trong số 25 đơn vị trung gian thanh toán được cấp phép tính tới thời điểm đó, chỉ có khoảng 5 đơn vị có lãi từ các giao dịch. Phần còn lại của thị trường được đại diện Vụ thanh toán đánh giá là "không ổn định".
Kết quả này không phải là vấn đề mang tính cá thể mà thực tế là bài toán chung của các startup trong lĩnh vực này. Để lấy được miếng bánh thị phần thanh toán từ tay những ngân hàng, các ứng dụng trung gian thanh toán, ví điện tử không ngừng đưa ra những tiện ích mới, những khuyến mãi để thu hút người dùng.
Điển hình nhất là việc hoàn lại toàn bộ tiền hoa hồng cho khách hàng nếu mua thẻ điện thoại, thẻ nạp trò chơi trực tuyến. Các ứng dụng cũng tặng tiền, khuyến mãi dịch vụ cho những người mới tham gia lần đầu và giới thiệu bạn bè, tăng khuyến mãi nếu áp dụng thanh toán cho các ứng dụng được liên kết.
Như Momo, ứng dụng này tặng 200.000 đồng cho lần đầu tiên sử dụng và 100.000 đồng cho mỗi lời giới thiệu không giới hạn số lượng, chưa kể hàng loạt khuyến mãi từ việc liên kết với các đối tác như Tiki, CGV. Moca, ứng dụng mới có sự tham gia của Grab, cũng có những lợi ích tương tự. Bên cạnh đó, nếu khách hàng chọn thanh toán bằng các Fintech có liên quan đến một số nền tảng khác cũng sẽ được tăng tỷ lệ chiết khấu hoặc các lợi ích gia tăng.
Mặt tích cực của việc này thu hút khách hàng sử dụng các dịch vụ mới, thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nhưng mặt tiêu cực là bài toán kinh doanh của các Fintech khó có thể tìm được điểm cân bằng. Bản thân các startup cũng không có nguồn vốn dồi dào để duy trì cuộc đua "đốt tiền" giành thị phần, và hệ quả là việc ăn mòn vốn chủ sở hữu.
Trước bài toán cần vốn để duy trì hoạt động, việc tìm những đối tác chiến lược để đồng hành, hay thậm chí là "bán mình" sau khi đã có được một chỗ đứng trên thị trường là điều không khó để hình dung.
Với những "ông lớn" đứng sau, toan tính sau những thương vụ này không chỉ nằm ở bài toán kinh tế mà vấn đề còn nằm ở việc mở rộng hệ sinh thái hoạt động.
Grab, trước khi tham gia vào Moca, từng tỏ rõ ý định tham gia vào lĩnh vực thanh toán. Đơn vị này sau một thời gian vào thị trường Việt Nam không chỉ dừng ở lĩnh vực đi chung xe với GrabBike, GrabCar, mà gần đây đã mở rộng ra nhiều mảng hoạt động khác như chuyển phát - GrabExpress hay chuyển đồ ăn - GrabFood Delivery. Dịch vụ trung gian thanh toán sẽ là mảnh ghép còn thiếu để kết nối các dịch vụ này trở thành một thể thống nhất.
Bản thân các quyết định tích hợp dịch vụ cũng mang lại lợi ích cho các trung gian thanh toán khi mở rộng được tập khách hàng và quy mô giao dịch. Tuy nhiên, khi có sự tham gia của những cổ đông mới, mô hình quản trị của những đơn vị này sẽ đứng trước thách thức phải thay đổi, có thể là sự hòa hợp nhưng cũng có thể là tình cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".
Minh Sơn