Vietstock - Dệt may nhắm kim ngạch xuất khẩu 31,3 tỉ đô la Mỹ
Dự báo ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 31,3 tỉ đô la Mỹ cho cả năm 2017 với mức tăng trưởng gần 11% so với năm ngoái, đóng góp 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và hiện ngành này đang giải quyết việc làm cho 2,5 triệu lao động.
Ngành dệt may nhắm đến kim ngạch xuất khẩu 31,3 tỉ đô la Mỹ năm 2017 - Ảnh: TL.
|
Theo thông tin từ buổi làm việc của Tổ Công tác Thủ tướng Chính phủ với Tập đoàn Dệt may Việt Nam hôm nay (20-6), trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả ngành nói trên, dự báo riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam đóng góp gần 3 tỉ đô la Mỹ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ 41 dự án đang đầu tư với tổng số vốn 5.500 tỉ đồng, đẩy mạnh cổ phần hóa, tạo chuỗi giá trị sản phẩm, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp, thực hiện nghiêm việc thoái vốn sâu, nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối trong lĩnh vực dệt may.
Ông Mai Tiến Dũng nêu kinh nghiệm của các doanh nghiệp như May Nhà Bè, Việt Tiến, May 10, Phong Phú để chứng minh việc nếu không cổ phần hóa thì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, không thể chinh phục các thị trường khó tính, không thể thu hút đầu tư, không thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo giá trị gia tăng cao.
Báo cáo với Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Trần Quang Nghị cam kết sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, tăng 9% so với con số 2,78 đô la Mỹ theo kế hoạch và tăng 20,4% so với năm 2016.
Cũng theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện vẫn tồn tại những thách thức lớn với ngành dệt may, Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh nặng ký, trong khi chỉ có một số doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và thị phần cũng không nhiều. Chưa kể, ngành công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí đầu vào cao, lãi suất cho vay cao so với khu vực…
Mới đây, trong một lần trao đổi với báo chí, ông Lê Tiến Trưởng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm của các nước khác trong bối cảnh khách hàng không chỉ đòi hỏi về chất lượng, giá bán, thời gian giao hàng mà còn đưa ra yêu cầu cao hơn về điều kiện bảo vệ môi trường khi ký các đơn hàng xuất khẩu.
Theo đó, để tạo lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam buộc phải bám theo bốn giá trị cốt lõi để đầu tư phát triển gồm năng suất, chất lượng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.