Vietstock - Giá lúa tăng, nông dân vẫn không vui
Sau một thời gian giảm xuống mức thấp, hiện giá lúa vụ đông xuân tại ĐBSCL tăng trở lại với khoảng 200 – 300 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tháng
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, vụ lúa đông xuân toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 204.000 ha (đạt 99% tỉ lệ xuống giống), số diện tích còn lại đang trong giai đoạn trổ chín.
So với 2 tháng trước, hiện thương lái mua lúa tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp trên địa bàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã tăng từ 4.500 đồng lên 4.800 đồng/kg (giống IR 50404); còn giống lúa OM 5451 đang có giá khoảng 5.400 đồng/kg, giống OM 4900 có giá 5.300 – 5.400 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 khoảng 4.900 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá 5.500 đồng/kg... tăng 200 - 300 đồng mỗi kg.
Giá lúa đang tăng trở lại nhưng nhiều nông dân không còn lúa để bán. Ảnh: THỐT NỐT
Theo ông Đặng Văn Khương, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp, thời điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân, nông dân lo lắng vì giá lúa có lúc xuống thấp. Nhưng đến khi Chính phủ có chủ trương triển khai mua dự trữ lúa, gạo quốc gia, giá lúa trên địa bàn tỉnh khởi sắc trở lại. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chú trọng thu mua lúa nhằm giảm bớt gánh nặng đầu ra cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, cũng cho biết vụ lúa đông xuân năm nay nông dân vui mừng vì vừa được mùa vừa được giá. Đặc biệt, đối với những nông dân có lúa thu hoạch vào thời điểm này thì lợi nhuận cao hơn vì được giá. "Tình hình xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu khả quan nên có thể nông dân sẽ bán được lúa với giá cao hơn nữa"- ông Hiền kỳ vọng.
Tuy vậy, do năm nay, phần lớn nông dân chọn các giống lúa như: IR50404, OM 5451, OM 4900... nhưng năng suất giảm khoảng 30% so với các năm trước nên dù giá lúa tăng nhưng nông dân vẫn không còn lời nhiều. Ông Lê Văn Lam ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cho biết khoảng nửa tháng trước, gia đình ông đã thu hoạch xong 6 ha lúa nhưng bán với giá rất thấp nên không đạt lợi nhuận như mong muốn. "Làm lúa mà tiền lời ít quá thì nông dân rất khó sống chứ đừng nói chỉ đến chuyện lỗ lã. Ngay cả giá lúa huề vốn thì coi như là lỗ vì lấy gì để nuôi sống cả gia đình trong suốt hàng tháng trời vất vả ngoài đồng. Theo tôi nghĩ, giá lúa các loại phải từ 5.000-6.000 đồng/kg thì nông dân mới có cái ăn, cái để chứ dưới mức này thì mệt lắm. Mà ngặt nỗi là khi nào nông dân bán sạch lúa thì giá lúa mới chịu nên coi như người trồng lúa chẳng được lợi gì" - ông Lam bức xúc.
Nông dân Lê Văn Thanh (ngụ xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), phân trần: "Nếu nông dân, thương lái mà trữ lúa từ đầu tháng 3, đến nay bán ra là có lời. Tiếc là dân mình không có kho lớn để trữ, sau thu hoạch phải bán gấp dù giá thấp để có tiền trả nợ ngân hàng hoặc trả tiền vật tư nông nghiệp đã mua thiếu ở đại lý trước mùa vụ".
Khoai lang tím sốt giá Thời gian gần đây, giá khoai lang tím Nhật tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp tăng thêm 100.000 – 150.000 đồng/tạ so với so với hồi tháng 3. Người dân bắt đầu canh tác khoai nhưng vẫn phập phồng lo sợ giá xuống thấp như trước đây. Vụ đông xuân 2019, toàn huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp xuống giống gần 1.000 ha khoai lang các loại. Vào đầu mùa, khoai lang tím Nhật rớt giá khiến nhiều nông dân thua lỗ. Có thời điểm giá khoai chỉ còn 300.000 – 350.000 đồng/tạ. Tuy nhiên, càng về cuối vụ, khoai lang tím Nhật càng tăng giá. Hiện thương lái thu mua khoai lang tím Nhật tại ruộng với giá 520.000 – 530.000 đồng/tạ, lúc sốt giá 600.000 đồng/tạ. Tuy nhiên, giá khoai tăng cao nhưng trong vùng rất ít người còn để bán. Nguyên nhân giá khoai tăng mạnh là do nguồn cung không đủ cầu. Để phục vụ xuất khẩu, thương lái đẩy mạnh việc thu mua nhưng lượng khoai trên thị trường không đủ cung ứng. |
DUY THANH – THỐT NỐT – CA LINH