Vietstock - Đầu năm 2021 giảm 10% biên chế để tăng lương
Một trong những nhiệm vụ cải cách tiền lương là cơ cấu ngân sách, cắt giảm chi không hợp lý để dành chi tiền lương. Trong quỹ lương lại phải tinh giản biên chế, giảm người đi mới tăng được lương.
Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND quận 7 TP.HCM theo mô hình một dấu một của -. Ảnh: TỰ TRUNG
|
Cải cách tiền lương bắt đầu thực hiện vào năm 2021, sẽ thiết kế bảng lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm. Ngoài ra, những địa phương có khả năng cân đối ngân sách như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng... sẽ được tự quyết tiền lương cho công chức, viên chức cao hơn 0,8 lần mức quy định.
Ông NGUYỄN QUANG DŨNG - vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ - nói với Tuổi Trẻ như vậy về chính sách cải cách tiền lương.
Thiết kế lương theo chức vụ
* Thưa ông, đến nay đã có 4 lần cải cách tiền lương, vậy lần cải cách thứ 5 này có gì khác biệt so với trước đây?
- Cải cách tiền lương bắt đầu thực hiện vào năm 2021, sẽ thiết kế bảng lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm. Đây là xu hướng hiện đại khác với trước, đương nhiên quay lại lương chức vụ sẽ giống các lần cải cách năm 1960 và 1985, nhưng ở mức độ cao hơn.
Ví dụ như trước đây, vụ phó lương 474 đồng/tháng thì bây giờ lương cũng quy ra tiền. Trên thế giới duy chỉ có VN tính lương hệ số mấy phẩy, còn các nước đều trả bằng số tiền cụ thể.
Tuy nhiên, vẫn có những loại phụ cấp thâm niên được quy theo % lương cơ bản, chẳng hạn mỗi năm 1%. Tiền thưởng cũng được quy định là 10% trong tổng quỹ lương, giao cho thủ trưởng đơn vị thưởng chia theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức.
* Có ý kiến cho rằng mức đề xuất cải cách tiền lương vào năm 2021 quá đột biến, thời gian chuẩn bị quá ngắn?
- Cải cách tiền lương lần này không chỉ tăng lương mà cải cách toàn diện các nội dung của chế độ tiền lương. Ví dụ như sắp xếp lại vị trí chức danh phải xem đến tương quan sau khi sắp xếp lại theo tình hình mới. Lần này cũng xem lại vấn đề lương và phụ cấp.
Hiện nay một số nơi tiền lương ít nhưng phụ cấp lại nhiều, nên người hưởng lương cứ nói lương thấp nhưng thực chất cộng cả lương và phụ cấp không phải vậy.
Theo Bộ luật lao động, lương gồm cả lương cơ bản, phụ cấp và các khoản thu bổ sung khác. Như vậy, lương là tổng thu nhập hằng tháng, điều này rất rõ trong ngành y tế, lương cơ bản chỉ có mấy triệu nhưng cộng với phụ cấp nghề, phẫu thuật, thủ thuật, tiền trực, thu nhập tăng thêm... thì có khi lương một tháng mười mấy triệu vẫn kêu thấp.
Tới đây, với chính sách tiền lương mới, vẫn còn phụ cấp nhưng tỉ lệ phụ cấp trong thu nhập sẽ được điều chỉnh. Theo khảo sát nghiên cứu của Bộ Nội vụ, hiện phụ cấp đang chiếm trên 40% tổng thu nhập của công chức, viên chức.
Cải cách lần này sẽ theo tinh thần nghị quyết 27 của trung ương, lương cơ bản sẽ chiếm trên 70%, phụ cấp không quá 30% và có khoảng 10% tiền thưởng.
Việc sắp xếp lương giữa các ngành sẽ có những thay đổi, có những ngành trước đây chưa có phụ cấp thì đưa hết vào lương cơ bản tăng lên, nhóm này sẽ được hưởng lợi. Còn nhóm ngành đã có phụ cấp cao có thể mức phụ cấp sẽ giảm xuống, nhưng đưa vào lương cơ bản nên tổng thu nhập cũng sẽ tăng, tất nhiên không phải tăng đều tất cả các ngành.
Cũng sẽ có đối tượng lương tăng mạnh, nhưng có đối tượng sẽ tăng ít.
* Để cải cách tiền lương, phải giải quyết trước vấn đề sắp xếp vị trí việc làm và xác định chức vụ, chức danh lãnh đạo. Bộ đã có giải pháp gì, thưa ông?
- Luật cán bộ công chức đã quy định vị trí việc làm là chức vụ, chức danh gắn với chỉ tiêu biên chế và cơ cấu ngạch công chức làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả lương.
Nếu không xác định rõ vị trí việc làm, sẽ không cải cách được tiền lương. Chỉ khi nào xác định rõ vị trí việc làm thì trả lương mới hiệu quả, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng công chức, viên chức làm gì không biết mà lương cứ tăng đều.
Thứ hai, chức vụ, chức danh phải sắp xếp lại vì qua nhiều năm bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, các tổ chức thay đổi, các chức danh cũng có sự thay đổi.
Đến năm 2021 giảm 10% biên chế
* Theo ông, cải cách tiền lương lần này có khắc phục được tình trạng người làm ít hưởng lương nhiều và người làm nhiều hưởng ít không?
- Thời gian qua, khi xây dựng đề án cải cách tiền lương gắn liền với xây dựng vị trí việc làm, một số cơ quan xác định vị trí bảo vệ làm 24 tiếng/ngày, chia theo 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, thành ra có tới 3 ông bảo vệ, nhưng không đưa ra giải pháp thuê ngoài, khoán tiền bảo vệ và thuê công ty bảo vệ bên ngoài.
Cách xây dựng vị trí việc làm một số cơ quan thời gian qua như vậy là không đúng và làm tăng biên chế, cần xem lại. Ngay cả trong nhà nước, cũng phải có một người làm nhiều việc. Nên khi xây dựng vị trí việc làm, các bộ, ngành phải nâng cao chất lượng đội ngũ và phải tinh giản biên chế theo nghị quyết trung ương.
Có tinh giản biên chế được mới có nguồn để tăng lương. Chi thường xuyên năm 2018 là 64,1%, phấn đấu năm 2019 giảm xuống 63%, tiếp tục giảm xuống 62% trong các năm 2020-2021. Trong đó, quỹ tiền lương chiếm khoảng 54% chi thường xuyên.
Nên một trong những nhiệm vụ cải cách tiền lương là cơ cấu ngân sách, cắt giảm chi không hợp lý để dành chi tiền lương. Trong quỹ lương lại phải tinh giản biên chế, giảm người đi mới tăng được lương.
Mức tăng lương cơ sở của công chức, viên chức đến năm 2020 (Theo nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, của Quốc hội - Đồ họa: N.KH.
|
* Vậy sẽ tinh giản bao nhiêu biên chế để lấy nguồn tăng lương?
- Nghị quyết trung ương đã nói rõ đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế so với năm 2015. Giảm được 1 vị trí làm việc không chỉ giảm lương mà còn giảm được các chi phí văn phòng, chi điện thoại, các thứ khác nữa.
* Trong hai nguồn tăng lương hiện nay, ông hi vọng vào nguồn nào nhiều hơn khi cải cách lương?
- Hai nguồn tăng lương là ngân sách và xã hội hóa từ thu của đơn vị sự nghiệp. Tinh giản biên chế để dồn nguồn ngân sách trả lương cho ít người hơn. Còn khối y tế có thể thu từ viện phí, chi phí khám chữa bệnh, các trường học thì thu học phí, tới đây sẽ giao quyền tự chủ cho các cơ sở đại học, cơ sở y tế để họ tự thu chi, trong đó có thu để trả lương.
Nhưng với đối tượng phổ cập như cấp tiểu học thì không thu học phí, Nhà nước phải mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, theo đó, ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả gián tiếp thông qua mua bảo hiểm y tế khám chữa bệnh, để các bệnh viện vẫn có thể hạch toán kinh tế và tự chủ.
Những con số phấn đấu Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương của trung ương đặt mục tiêu tiền lương công chức, viên chức có trình độ trung cấp không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng vào năm 2021, đến năm 2025 lương công chức, viên chức bằng mức bình quân khu vực doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 lương khu vực nhà nước sẽ tương đương mức cao nhất khu vực doanh nghiệp. |
BẢO NGỌC