Vietstock - Đấu giá thành công 70% lượng chào bán, Vietcombank vẫn chưa thể chia tay hoàn toàn OCB
Theo báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng của Vietcombank tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), chỉ có khoảng 2/3 số cổ phần OCB chào bán được các nhà đầu tư đăng ký mua.
Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN (đã được sửa đổi bằng Thông tư 19/2017), trước ngày 01/02/2016, các ngân hàng phải lên kế hoạch và thực hiện thoái vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác theo quy định. Thông tư đề cập mỗi TCTD không được sở hữu quá 5% vốn ở TCTD khác; mỗi TCTD cũng không được sở hữu, có cổ phần ở quá 2 TCTD. Trước đó, Vietcombank đã thoái vốn tại Saigonbank, CFC và việc rút vốn tại OCB lần này nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo.
Chỉ có khoảng 2/3 số cổ phần OCB chào bán được các nhà đầu tư đăng ký mua, Vietcombank vẫn chưa thể chia tay hoàn toàn OCB
|
Tại OCB, trong đợt đấu giá ngày 29/12/2017, số lượng cổ phần OCB mà Vietcombank chào bán là gần 18.9 triệu cp, tương đương 4.85% tỷ lệ cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên chỉ có hơn 13.1 triệu cp được 58 nhà đầu tư (4 tổ chức và 54 cá nhân) đăng ký mua và gom thành công (tỷ lệ thành công gần 70%). Như vậy, vẫn còn khoảng 1/3 cổ phiếu OCB do Vietcombank chào bán còn bị “ế” do không có người mua.
Mức giá khởi điểm là 13,000 đồng/cp và giá trúng thầu bình quân 13,005 đồng/cp của đợt chào bán cổ phiếu OCB của Vietcombank vẫn thấp hơn giá mua bán trên OTC của Ngân hàng này. Thời gian gần đây, cổ phiếu OCB được rao mua/bán trên thị trường phi tập trung chủ yếu với giá trong khoảng 14,500-19,000 đồng/cp.
Liên quan đến đợt chào bán cổ phiếu OCB của Vietcombank, một số thông tin được công bố có lẽ tác động đến mức hấp dẫn của thương vụ này là việc nhận cổ phiếu thưởng và sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo thông báo bổ sung lần 1 về đợt chào bán, Vietcombank cho biết số cổ phiếu OCB bán đấu giá vào ngày 29/12 sẽ không bao gồm quyền nhận cổ phiếu thưởng phát sinh tại ngày chốt danh sách cổ đông trong đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn của OCB. Được biết, ngày 20/12 vừa qua, OCB đã chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5%, nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC kiểm toán năm 2016.
Chốt chặn tiếp theo liên quan đến room ngoại. Theo thông báo bổ sung lần 2 của Vietcombank, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB đã đạt mức tối đa (23.66% vốn điều lệ), vì vậy không còn room cho nhà đầu tư nước ngoài khác. Trong phần vốn do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên, có tới 20% cổ phần được sở hữu bởi ngân hàng Pháp BNP Paribas - cổ đông chiến lược ngoại của OCB. Như vậy, phiên đấu giá OCB của Vietcombank chỉ là cuộc chơi của các nhà đầu tư nội.
Với thương vụ bán cổ phiếu OCB lần này, Vietcombank thu về hơn 171 tỷ đồng (thu ròng hơn 170 tỷ đồng).
* Vì sao Vietcombank chào bán cổ phiếu OCB lại “ế hàng”?
Cát Lam